Câu hỏi tuyển dụng

236000 Tài liệu miễn phí

Mẹo trả lời các câu hỏi phỏng vấn vị trí sales admin phổ biến

Đăng bởi Timviec365.vn
Bạn đã biết các câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin phổ biến hiện nay chưa? Trong doanh nghiệp, Sales Admin được nhiều người đánh giá là một trong những bộ phận quan trọng giúp thúc đẩy doanh thu của công ty. Chính vì vậy, các nhà tuyển dụng đều không ngừng chiêu mộ những nhân tố tài năng này về công ty mình. Các câu hỏi phỏng vấn mà họ đưa ra, bởi thế cũng rất phức tạp và biến hóa khôn lường. Nếu muốn ứng tuyển vào vị trí Sales Admin, hãy điểm qua bộ câu hỏi dưới đây nhé!
giới thiệu về vị trí sales admin
Bạn hiểu gì về công việc Sales Admin?

Sales Admin (hay còn gọi là Sales Administrator) là những người đảm nhiệm vị trí trợ lý kinh doanh trong doanh nghiệp, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ trưởng bộ phận hoặc giám đốc kinh doanh. Các Sales Admin có nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động bán hàng tăng doanh thu cho công ty thông qua bộ phận kinh doanh. Trong quá trình làm việc, các Sales Admin sẽ phối hợp với các bộ phận khác để đưa ra phương án kinh doanh hiệu quả, thảo luận các vấn đề về doanh số, cách thu hút khách hàng,... Bởi thâu tóm trong tay công việc bán hàng của công ty, Sales Admin được coi là người giữ vị trí then chốt đối với sự tồn tại của bất cứ doanh nghiệp nào.

Hiện nay, khi “người người làm kinh doanh, nhà nhà làm kinh doanh”, Sales Admin đã trở thành công việc phổ biến. Các nhà tuyển dụng mỗi năm nhận được hàng trăm, ngàn bộ hồ sơ từ những người muốn theo đuổi vị trí Sales Admin. Bởi vậy, để trở thành ứng cử viên nổi bật nhất trong hàng ngàn con người đó, bạn phải cho họ thấy năng lực của mình, bằng cách thông qua phỏng vấn.

Dưới đây là các câu hỏi phỏng vấn vị trí sales admin thông dụng nhất mà bất cứ ứng cử viên nào cũng cần nắm vững. Hãy cùng vieclam88.vn tìm hiểu nhé!

1. Bộ câu hỏi phỏng vấn nhà tuyển dụng thường hỏi vị trí Sales Admin

Các câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin về bản thân
Các câu hỏi về bản thân sẽ định vị con người bạn trong mắt nhà tuyển dụng

1.1. Các câu hỏi phổ biến thường có trong bất cứ vị trí tuyển dụng nào

Để bắt đầu với gói câu hỏi phỏng vấn Sales Admin, hãy làm quen với những câu hỏi về bản thân và trải nghiệm của bạn. Hãy nhớ rằng, trong bất cứ công việc nào, nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao cách người ứng tuyển biết khôn khéo định hình bản thân mình cũng như kinh nghiệm mà họ có được qua quá trình làm việc. 

Câu 1: Hãy giới thiệu ngắn gọn về bản thân bạn.

Mặc dù tất tần tật các thông tin về bạn đã được ghi lại trong CV, nhà tuyển dụng vẫn muốn bạn tự mình giới thiệu lại bản thân mình. Đây là câu hỏi đầu tiên của buổi phỏng vấn. Các nhà tuyển dụng thường dùng câu hỏi này để kiểm tra cách bạn kiểm soát thời gian trong câu trả lời, đánh giá sự tự tin của bạn qua ngôn ngữ nói và đồng thời lắng nghe thêm chia sẻ của bạn liên quan đến kinh nghiệm, sở thích,... Để tóm lược lại câu trả lời một cách ngắn gọn, hiệu quả nhưng vẫn cho nhà tuyển dụng một cái nhìn tổng quát nhất về bạn, trong câu trả lời, bạn nên nêu ngắn gọn về họ tên, quê quán, trường đại học vừa tốt nghiệp, điểm qua một chút về sở thích và năng lực của bạn liên quan đến vị trí Sales Admin này. Bạn cũng có thể gợi ý cho họ các công việc và vị trí trong quá khứ mà bạn đã đảm nhiệm liên quan đến Sales Admin.

Để nhà tuyển dụng có cái nhìn ưu ái hơn, hãy tập trung mô tả bản thân gắn với Sales Admin, việc đề cập tới các ngành nghề, sở thích khác không giúp bạn trở nên tiềm năng trong mắt họ đâu. 

Ví dụ:  (đã lược bỏ qua các thông tin cá nhân)  “Tôi là người vô cùng yêu thích công việc kinh doanh và làm việc với khách hàng. Chính vì vậy trong thời gian qua, tôi đã luôn trau dồi kiến thức của mình, trải nghiệm bản thân với việc lập kế hoạch, báo cáo kinh doanh hay thuyết phục khách hàng. Hiện nay, tôi vẫn giữ liên lạc với rất nhiều người bạn là khách hàng của tôi, họ vô cùng tin tưởng tôi. Với vai trò là người lãnh đạo, tôi chưa bao giờ để đồng đội của mình phải chịu thiệt. Bởi vậy, tôi rất tự tin với vị trí cần nhiều kinh nghiệm giao tiếp và làm việc đội nhóm như Sales Admin mà công ty đang tuyển dụng”

Xem ngay: Việc làm Sale Admin

Câu 2: Hãy liệt kê những điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Theo bạn, những điểm yếu trên có phải là yếu tố ngáng đường bạn không?

câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin điểm mạnh và điểm yếu
Bạn cũng cần chia sẻ về điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình phỏng vấn

Nhà tuyển dụng rất muốn biết bạn đánh giá bản thân thế nào và quyết định xem liệu bạn có phù hợp với công việc tại công ty với những tính cách như thế không. Ở đây, cũng vẫn lấy Sales Admin làm gốc, hãy kể cho họ sở trường của bạn giúp hỗ trợ công việc này. Bạn có thể nêu sở trường trước, sau đó áp dụng thực tế để nói rằng chúng đã hỗ trợ bạn như thế nào trong công việc. 

Đối với các câu hỏi điểm yếu, tất nhiên bạn nên thành thật. Chúng ta không nên giấu hạn chế của mình vì nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng bắt bài ngay. Tuy nhiên, bạn có thể lật ngược tình thế nếu như biết khéo léo truyền đạt tới nhà tuyển dụng thông điệp rằng: “Tôi có điểm yếu nhưng tôi có thể khắc phục trong tương lai bằng khả năng học hỏi, sự nỗ lực của mình. Vì tôi là người chưa bao giờ biết hài lòng với những gì mình đã đạt được và tôi không thể để công ty của mình bị ảnh hưởng bởi sự thiếu sót của bản thân mình” 

Câu 3: Những người đồng nghiệp đánh giá thế nào về bạn?

Câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin về sự đánh giá của đồng nghiệp
Đồng nghiệp nghĩ thế nào về bạn?

Trong phần này, điều bạn cần chú ý là đừng khiến nhà tuyển dụng cho rằng bạn là người khoác lác bởi những điểm tốt cao ngất ngưởng mà người khác nghĩ về bạn. Trước hết, hãy hình dung lại xem những người khác đã nghĩ gì về bạn. Bạn cũng có thể hỏi bạn bè, người thân trong gia đình mình. Từ đó, tìm cách liên hệ những điểm sáng này trong công việc Sales Admin và nói với nhà tuyển dụng. Câu trả lời thông minh sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt những nhà tuyển dụng khó tính này đó. 

Các đánh giá của mọi người về Sales Admin có thể liên quan đến các kĩ năng giao tiếp, khả năng thuyết phục, khả năng giải quyết xung đột trong nhóm, tính cẩn thận, chu đáo và hiếm khi mắc lỗi, trách nhiệm trong công việc, khả năng quản lý thời gian để đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh của nhóm.

Ngược lại, khi mô tả, đừng thêm các tính từ nói quá như: “Họ nhận xét tôi là một trong những lãnh đạo tuyệt vời nhất, quá xuất sắc và hoàn hảo,...” Điều này chỉ khiến bạn trở thành trò cười trong mắt người phỏng vấn. 

Việc làm nhân viên kinh doanh tại Hà Nội

Câu 4: Lãnh đạo cũ nhận xét gì về bạn?

Câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin sự tin tưởng của lãnh đạo
Bạn có tự tin mình là người cấp dưới hoàn hảo?

Câu này cũng tương tự như bên trên. Hãy liên tưởng đến những người quản lý ở vị trí cũ, những lần làm việc của bạn với họ cùng với những công việc bạn đã đảm nhận. Nếu bạn đã từng được lãnh đạo cũ khen ngợi thì bạn chỉ cần nhắc lại là được. Còn nếu lãnh đạo cũ không nói hẳn ra, hãy nghĩ xem hiệu quả những công việc bạn từng làm ra sao, thái độ chung của quản lý sau khi nhìn thấy thành quả ấy là gì.

Câu 5: Lí do gì để chúng tôi chọn bạn là trợ lý kinh doanh?

Tưởng giống với việc bạn nêu điểm mạnh nhưng thật ra là không phải thế. Câu hỏi này như là một cú chốt khiến bạn vượt qua vòng phỏng vấn ngặt nghèo. Nếu như trong điểm mạnh, bạn chỉ đơn thuần là nêu lên điểm sáng của mình và sự giúp ích của chúng đối với các công việc trong quá khứ thì trong câu hỏi lý do chọn lựa, bạn nên cho họ thấy giá trị mà họ sẽ nhận được từ những kỹ năng, kinh nghiệm thực chiến của bạn. Câu hỏi này cũng sẽ cho nhà tuyển dụng thấy bạn hiểu công ty của họ như thế nào. 

Câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin về lý do chọn lựa
Đừng ngần ngại phô bày các kỹ năng và sự hiểu biết của mình đối với vị trí ứng tuyển

Để trả lời câu hỏi lý do chọn lựa, trước hết bạn cần tìm hiểu các thông tin về nhà tuyển dụng, về các sản phẩm, phân khúc khách hàng, tình hình kinh doanh của họ cùng với các xu hướng mà doanh nghiệp của họ theo đuổi. Sau đó, bạn nên đánh giá qua hiệu quả của cách làm việc trên. Từ đó, hãy gắn kinh nghiệm giải quyết vấn đề của bạn trong một số vấn đề còn tồn đọng tại công ty. 

Tóm lại, khi trả lời, bạn nên đề cập cụ thể kinh nghiệm và kỹ năng của mình đang ở trình độ nào. Những kinh nghiệm trên đã được áp dụng trong việc giải quyết vấn đề của công ty cũ ra sao và với doanh nghiệp này, bạn sẽ làm gì để nâng cao hình ảnh của nhà tuyển dụng. Chắc chắn, khi trả lời thành công câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ hiểu bạn thực sự yêu thích công việc này thế nào và nghiêm túc tìm hiểu công ty ra sao. 

Đôi khi, nhà tuyển dụng có thể làm bạn nản lòng khi nói rằng, “công ty hiện nay đã tuyển đủ người” bởi họ có thể trao cơ hội cho bạn nếu họ nhận được một câu trả lời khôn khéo. Cũng đừng nên cố tỏ ra quá khoe khoang và kiêu ngạo về năng lực bản thân.

Câu 6: Sales Admin là một công việc hết sức căng thẳng, vậy bạn đã giải quyết những áp lực trong công việc này thế nào?

Câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin về cách giải quyết áp lực
Cách giải quyết áp lực cũng tiết lộ liệu bạn có phải là nhân tố tiềm năng hay không

Cũng vẫn là một câu hỏi về trải nghiệm, tuy nhiên đây dường như là một câu hỏi rất riêng tư. Công việc Sales Admin áp lực ở chỗ nhân viên thường xuyên bị áp doanh số, hoặc đã cố gắng hết sức song không thể khiến khách hàng tin tưởng. Ở câu hỏi này, đừng đưa ra câu trả lời như là: “Tôi thường nghe nhạc hay đọc sách để giảm áp lực, hoặc chia sẻ với những người xung quanh,...” đây là câu trả lời hết sức tầm thường mà ai cũng có thể nói được. Hãy nhớ rằng, bất kể tình huống nào xảy ra, hãy luôn liên kết các yếu tố Sales Admin trong mỗi phản hồi của bạn. 

Ví dụ như: “Mặc dù công việc trợ lý kinh doanh khiến tôi gặp rất nhiều áp lực, đôi khi cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều không thể. Tuy nhiên, bởi đi theo công việc này từ đam mê nên khi gặp bất cứ trường hợp nào, tôi cũng sẽ vui vẻ đón nhận để giải quyết. 

Nếu như trò chuyện với khách hàng không thành công ư? Tôi vẫn sẽ trò chuyện cùng họ, kiên nhẫn làm thân, tôi nghĩ rằng điểm thú vị ở đây chính là mình có thể được trò chuyện cùng với mọi người. Đôi khi trò chuyện không phải để thuyết phục họ mua hàng mà là hỏi về tình hình thực tế của họ và đánh giá vấn đề. Đó cũng là một cách để giảm áp lực kia mà. Tôi nghĩ rằng nếu cứ kiên trì và có sự đam mê, mọi áp lực đều có thể vượt qua”. 

Việc làm nhân viên kinh doanh tại Hồ Chí Minh

1.2. Các câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp

Câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin về mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong thời gian tới là gì?

Sau câu hỏi giới thiệu bản thân, các nhà tuyển dụng sẽ muốn biết mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đã vạch ra cho tương lai. Điều này giúp họ nhận biết liệu bạn đã thực sự hiểu về công việc và nghề nghiệp của họ chưa. Đồng thời, người phỏng vấn có thể vạch ra trong đầu định hướng nếu như bạn đã thành công lấy được trái tim của họ.

Câu 7: Bạn muốn làm Sales dài hạn hay ngắn hạn?

Vì sao nhà tuyển dụng lại hỏi điều này. Bởi có thể, họ muốn biết tác phong làm việc của bạn ra sao đó. Nếu như Sales ngắn hạn đòi hỏi người ứng tuyển tìm kiếm và thuyết phục khách hàng tiềm năng trong thời gian ngắn thì Sales dài hạn sẽ gồm công việc mất thời gian thuyết phục khách hàng và bán sản phẩm nhiều hơn. Tuy nhiên, Sales dài hạn sẽ giúp bạn có sự kết nối với khách hàng của mình tốt hơn để mở rộng quan hệ. Bạn nên cân nhắc mặt lợi, mặt hại của từng loại và dựa vào cá tính, kinh nghiệm của mình để đưa ra câu trả lời phù hợp nhất nhé. 

Câu 8: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong N năm tới là gì?

Đối với loại câu hỏi này, hãy đi theo trình tự trả lời từ mục tiêu ngắn hạn rồi mới tới mục tiêu dài hạn. Hãy gắn với kinh nghiệm đã có trước của mình cũng như mong muốn của bản thân để đưa ra câu trả lời chính xác. Công ty sẽ vui mừng hơn nếu trong mục tiêu dài hạn của bạn có sự xuất hiện của họ đó. Ví dụ: Trong thời gian ngắn, tôi muốn tìm kiếm cho mình vị trí Sales Admin tại quý công ty để có thể tiếp tục học hỏi, trau dồi kinh nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, trong N năm sau đó, tôi muốn phấn đấu trở thành một trong những nhân viên xuất sắc tại bộ phận kinh doanh và có thể thăng tiến tới những vị trí cao hơn như trưởng bộ phận kinh doanh tại công ty mình. 

Câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin về trải nghiệm
Một ngày làm việc với vị trí Sales Admin

Câu 9: Hãy kể lại một ngày làm Sales Admin của bạn

Tưởng chỉ đơn thuần là câu hỏi trải nghiệm, tuy nhiên nhà tuyển dụng sẽ thông qua câu hỏi này để biết bạn có thực sự hiểu nhiệm vụ của một Sales Admin hay không. Hãy trả lời thật ngắn gọn, chứng minh cho họ thấy bạn hiểu rõ công việc ra sao qua cách xử lý vấn đề của mình. Hãy giúp họ hiểu rằng, bạn thực sự làm việc hiệu quả, khoa học và theo kế hoạch chứ không phải là thực hiện một cách bộc phát. 

1.3. Các câu hỏi chuyên môn

Các câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin về chuyên môn công việc
Đừng quên trau dồi các kỹ năng chuyên môn

Câu 10: Bạn sẽ ngừng theo đuổi một khách hàng tiềm năng khi nào?

Hãy cẩn thận! Đây là một cái bẫy khi phỏng vấn vị trí trợ lý kinh doanh này đó. Bạn có thể trả lời rằng mình đã cố hết sức nhưng vì không muốn làm mất thời gian nên phải biết buông bỏ, sau đó liệt kê các lý do. Điều này là sự thực, nhưng nhà tuyển dụng chắc chắn muốn ở bạn nhiều hơn thế. Thay vì kể về thất bại của mình, hãy cho họ thấy sự kiên trì của bạn trong việc đàm phán, thuyết phục. Bạn có khả năng đọc hiểu tâm lý khách hàng, nên bằng sự kiên trì, bạn đã có thể cho họ thấy sự cần thiết khi phải sử dụng sản phẩm của mình. Hãy khéo léo nêu điểm mạnh của mình vào đây nữa nhé. 

Câu 11: Hãy kể cho chúng tôi lần chốt Sales thành công nhất của bạn.

Câu hỏi này chỉ đơn giản là bạn thuật lại cho công ty trải nghiệm thành công nhất của mình, đồng thời hãy thêm thắt vào trong câu trả lời các giá trị mà công ty cũ đã nhận được từ thành quả của bạn. 

Câu 12: Bạn sẽ chọn lọc những thông tin gì để tư vấn sản phẩm cho khách hàng?

Việc chắt lọc thông tin là một cách để nhà tuyển dụng biết bạn có thực sự hiểu rõ tâm lý và nhu cầu của người mua hay không. Thông thường, thông qua chia sẻ của khách hàng, các Sales Admin cần tìm ra nhu cầu đó và giới thiệu thông tin, chức năng của sản phẩm đáp ứng được các nhu cầu trên.

1.4. Các câu hỏi khác

Các câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin khác
Cố gắng vượt qua cửa ải này nào!

Có vô vàn các câu hỏi khác nhau để nhà tuyển dụng tìm hiểu thêm về người ứng tuyển. Một số câu hỏi có thể xuất hiện trong quá trình phỏng vấn là: 

Câu 13: Điều gì khiến bạn thích nhất khi làm Sales Admin

Đơn giản là hãy chia sẻ với họ sở thích của bạn và những trải nghiệm thú vị mà bạn đã có trong công việc này

Câu 14: Bạn có nản lòng khi gặp phải khách hàng không hứng thú với sản phẩm của mình không?

Thực tế, câu hỏi này cũng giống với cách trả lời mẫu trong câu 6 “Bạn làm gì để vượt qua áp lực trong công việc” bên trên. Đừng cho họ thấy cách bạn dễ dàng bỏ cuộc thế nào, hãy tập trung vào kỹ năng thuyết phục “thần sầu” của bạn để cưa đổ những người khó tính nhất. 

Các câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin về thị trường
Hiểu biết về thị trường của mình là một trong những kỹ năng Sales Admin cần có

Câu 15: Bạn biết gì về công ty của chúng tôi và các sản phẩm hiện nay công ty đang bày bán?

Câu hỏi này đòi hỏi bạn phải tìm hiểu công ty từ trước. Đừng ngại đưa ra những đánh giá đúng về ưu, nhược điểm trong cách vận hành bộ máy kinh doanh của công ty (nếu có)

Câu 16: Nếu được thay đổi hình thức kinh doanh hoặc cách giới thiệu sản phẩm công ty chúng tôi, bạn sẽ thay đổi nó ở điểm nào?

Đây là một trong những câu hỏi khó, đòi hỏi người ứng tuyển phải nghiên cứu công ty chuyên sâu. Trước khi phỏng vấn, hãy dành một thời gian để đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp. Nếu không biết cách trả lời, bạn nên thành thật nói với nhà tuyển dụng.

Câu 17: Bạn biết gì về công ty đối thủ của chúng tôi? Bạn đánh giá thế nào về họ? 

Câu hỏi vẫn tập trung vào sự hiểu biết của bạn, tuy nhiên đây là mức độ cao hơn. Bạn cần cho họ thấy sự hiểu biết của mình về tình hình, phân khúc thị trường sản phẩm. 

2. Người phỏng vấn nên hỏi nhà tuyển dụng điều gì?

Các câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin với nhà tuyển dụng
Hỏi nhà tuyển dụng điều gì bây giờ?

Đây thường là phần diễn ra cuối cùng trong mỗi buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng vô cùng kỳ vọng ở ứng cử viên của mình một tinh thần học hỏi, cầu tiến và có khả năng phản biện. Bởi vậy, nếu có bất cứ thắc mắc nào về tình hình của công ty hoặc mô tả công việc, hãy thành thật với họ. 

Công ty cũng sẽ rất vui nếu bạn có thể chia sẻ để đóng góp thêm vào sự phát triển của họ. Tuy nhiên nên cân nhắc hỏi hai đến ba câu, hỏi nhiều quá cũng không nên.

Một số câu hỏi liên quan đến Sales Admin là :

2.1. Câu hỏi liên quan đến tổ chức:

- Liệu tôi có thể biết đã có bao nhiêu người ứng tuyển bộ phận này trong thời gian qua hay không?

- Có bao nhiêu người đang ở trong bộ phận kinh doanh của công ty?

- Bình thường thì mọi người công tác trong lĩnh vực của mình khoảng bao lâu?

- Anh, chị có thể chỉ tôi về một số Sales Admin đầy tiềm năng hiện đang hoạt động ở vị trí của họ và cách họ đánh giá thành công hay không không?

- Định hướng phát triển của bộ phận kinh doanh tại công ty trong tương lai là gì?

2.2. Câu hỏi về công việc

- Thường công việc một ngày của các Sales Admin tại công ty là gì?

- Thời gian làm việc vất vả nhất tại công ty là khi nào? Vì sao lại như vậy?

- Anh/chị có thể nói rõ hơn về những công việc chưa được đề cập đến trong bản mô tả công việc hay không?

- Theo anh/chị, lý do một người thất bại trong công việc Sales Admin tại công ty là gì và vì sao họ lại thất bại?

- Anh/chị có lời khuyên nào dành cho các trợ lý kinh doanh tại công ty mình để thành công hay không?

Các câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin nên và không nên hỏi
Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học

2.3. Hỏi thông tin những người phỏng vấn

- Anh/chị đã làm công việc này trong bao lâu?

- Anh/chị có cảm thấy mình đang thành công trong công việc hay không? Lí do?

- Anh/chị đánh giá thế nào về môi trường làm việc tại công ty mình?

-Vì sao anh/chị lại gắn bó với công việc trong khoảng thời gian lâu như vậy?

 2.4. Các câu không nên hỏi

Những câu không nên hỏi là những thông tin mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên website công ty hay google về nhân lực và bộ máy quản lý của họ. Khi hỏi về những câu hỏi này chỉ khiến nhà tuyển dụng biết rằng bạn chưa thực sự hiểu về công ty của họ mà thôi.

Các vấn đề nhạy cảm như chính sách phúc lợi và thưởng lương không nên được đề cập trong cuộc trò chuyện. Nếu nhà tuyển dụng đề cập tới điều này như một trong các câu hỏi, bạn có thể đưa ra ý kiến của mình. Còn nếu không thì tốt nhất chỉ nên tập trung đến những câu hỏi liên quan đến công việc. 

3. Các tố chất của một Sales Admin tương lai được tiết lộ trong quá trình phỏng vấn thế nào?

Tố chất của một Sales Admin
Chuyên nghiệp từ trong ra ngoài bạn nhé!

Các công ty luôn kỳ vọng người ứng tuyển của mình không chỉ có những kỹ năng thật tốt cho công việc mà ngay cả những phong thái, cử chỉ và hình thức mà họ thể hiện ra bên ngoài cũng phải thật chuẩn chỉnh, nghiêm túc. Chính vì vậy, bạn nên cho họ thấy sự chuyên nghiệp của mình ngay từ việc thể hiện bản thân trong buổi phỏng vấn. Cụ thể:

Đối với trang phục, tốt nhất, khi đi phỏng vấn, hãy mặc quần áo hoặc vest để thể hiện sự nghiêm túc, lịch sự. Tránh mặc các trang phục hở hang, quá màu mè hoặc quá xuề xòa, hoặc không ăn nhập với buổi phỏng vấn.

Đối với cách trang điểm và kiểu tóc: Điều này còn tùy thuộc vào văn hóa của từng công ty, có những nơi không muốn nhân viên của mình nhuộm tóc và trang điểm quá đậm. Vậy nên tốt nhất khi đi phỏng vấn, hãy để tóc đen và buộc tóc gọn gàng. Đồng thời nên trang điểm nhẹ nhàng để gây thiện cảm tốt nhất. 

Đối với phong thái: Khi bước vào phòng phỏng vấn, hãy đi nhẹ, cười duyên nhưng không nên nói khẽ. Bạn biết đấy, giọng nói của một người cũng có khả năng tiết lộ bạn có thực sự tự tin và có tố chất lãnh đạo hay không. Hãy nói to, rõ ràng, liền mạch và nên suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra câu trả lời. 

Hồ sơ chuẩn bị: Bạn bắt buộc phải mang hồ sơ theo như yêu cầu của công ty, tất cả đều cho vào một tập hồ sơ chung thật cẩn thận, sạch sẽ. Kiểm tra thật kỹ trước khi đi ra khỏi nhà để tránh nhầm lẫn hoặc quên đồ.

Như vậy, bài viết này đã cung cấp trọn bộ các câu hỏi phỏng vấn vị trí Sales Admin dành cho những ai muốn theo đuổi công việc vị trí kinh doanh. Bạn có thể tìm thêm cơ hội tìm việc làm nhanh cũng như bản mô tả công việc Sales Admin ngay trên trang web vieclam88.vn này đó, hãy lướt lên thanh công cụ và khám phá website ngay thôi nào!
 

Chia sẻ:
LưuShare in VK