
Tạo CV online có ngay việc làm mơ ước
[3500+] mẫu CV "tuyệt đẹp", chỉnh sửa dễ dàng trong 3 phút
Trang việc làm ứng dụng sâu AI
Tạo cv – tìm việc làm
Mã QR đăng nhập App NTD
Tác giả: Hoàng Thúy Nga
Người lao động làm việc trong các công ty và doanh nghiệp, bên cạnh lương thì còn được hưởng thêm cả phụ cấp. Phụ cấp lương trong doanh nghiệp có nhiều loại khác nhau. Có những khoản phụ cấp cố định, có những khoản phụ cấp lại được thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tất cả những thông tin bạn cần biết về phụ cấp lương trong doanh nghiệp nhé!
Khi bàn về những đãi ngộ trong công việc, chúng ta thường đề cập đến mức lương và bên cạnh đó là các khoản phụ cấp, trợ cấp… Vậy bạn đã hiểu rõ phụ cấp lương là gì chưa? Phụ cấp lương được tính như thế nào?
Hãy cùng tìm hiểu qua những chia sẻ ngay sau đây nhé!
Phụ cấp lương trên thực tế thường sẽ là một khoản tiền mà người lao động được nhận từ người sử dụng lao động, khi người lao động bắt buộc phải làm việc trong điều kiện lao động khó khăn hơn bình thường hay thực hiện những công việc phức tạp hơn bình thường hoặc có mức độ khó khăn, nguy hiểm nhất định…
Phụ cấp lương ở đây được xác định tách biệt với mức lương chính mà người lao động nhận được, hay nói một cách khác đây là một khoản tiền cộng thêm vào mức lương chính người lao động được nhận.
Phụ cấp lương có nhiều loại khác nhau và được quy định tùy theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Một số loại phụ cấp thường thấy nhất bao gồm: phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ, phụ cấp lưu động, phụ cấp trách nhiệm…Bên cạnh đó cũng có những loại phụ cấp khác theo yêu cầu của người lao động hay quy định riêng của mỗi doanh nghiệp.
Phụ cấp dành cho mỗi người lao động là không giống nhau. Tùy thuộc vào từng đối tượng người lao động, nội dung và tính chất công việc và quy chế, quy định về các mức đãi ngộ của từng doanh nghiệp riêng lẻ mà mỗi cá nhân sẽ được hưởng một hay nhiều loại phụ cấp khác nhau.
Tương tự, những điều kiện trên cũng được các doanh nghiệp cân nhắc để xác định mức phụ cấp dành cho người lao động. Ngày nay các doanh nghiệp cũng chuyển sang sử dụng những phần mềm tính lương nhân viên có tích hợp sẵn các khoản phụ cấp cho mỗi nhân viên để tính tổng kế mức lương và phụ cấp hàng tháng cho các nhân viên.
Đây là một loại phụ cấp mà người lao động xứng đáng được hưởng theo đúng quy định của Nhà nước. Theo đó, những người lao động có thời gian làm việc lâu dài và thường xuyên trong điều kiện môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc thì mới thuộc vào đối tượng được hưởng loại phụ cấp này.
Về các ngành nghề và công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, Nhà nước cũng đã ban hành một danh sách các công việc và ngành nghề này trong thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH. Người lao động có thể chủ động tìm đọc thông tư này để biết được liệu công việc mình đang làm có thuộc danh sách được hưởng loại phụ cấp lương này hay không.
Công ty hay doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể:
- Người lao động làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại sẽ nhận được phụ cấp thấp nhất là 5% và tối đa là 10%.
- Người lao động làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại sẽ nhận được phụ cấp thấp nhất là 7% và tối đa là 15% tính dựa trên mức lương cơ bản của ngành nghề đó trong điều kiện lao động bình thường.
Theo quy định, nếu làm việc dưới 4 tiếng trong ngày thì mức phụ cấp này sẽ được tính bằng 1/2 ngày và được tính là một ngày khi làm việc từ tối thiểu 4 tiếng trở lên.
Đây là loại phụ cấp chỉ dành cho những người làm các công việc có đặc thù có tính trách nhiệm cao (chẳng hạn như kiểm ngân, thủ quỹ…) hay là những người đang đảm nhiệm các chức vụ thuộc vào cấp độ quản lý (chẳng hạn như trưởng phòng, trưởng ca, tổ trưởng…).
Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư 05/2005/TT-BNV quy định rõ ràng về cách tính phụ cấp trách nhiệm như sau:
Phụ cấp trách nhiệm = Lương cơ sở x Hệ số
Trong đó hệ số sẽ dao động ở các mức 0,1 hoặc 0,2 hoặc 0,3 hoặc 0,5 tùy thuộc vào đối tượng được hưởng phụ cấp là ai và tính chất công việc của người đó.
Nhìn chung, mức phụ cấp trách nhiệm hiện nay sẽ không vượt quá 10% so với mức lương của công việc hoặc chức danh người lao động đảm nhiệm trong bảng lương của họ. Trong trường hợp người lao động không làm việc từ tối thiểu 1 tháng trở lên thì sẽ không được nhận phụ cấp trách nhiệm nữa.
Phụ cấp thu hút là khoản phụ cấp được áp dụng cho đối tượng là công nhân, cán bộ, công chức làm việc tại các địa điểm đặc biệt như các vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, những vùng kinh tế mới, các vùng kinh tế hải đảo xa đất liền, những vùng kinh tế mà chưa có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, điều kiện sống khó khăn…
Tại Điều 4 Nghị định 76/2019/NĐ-CP có quy định rõ thời gian người lao động được hưởng phụ cấp thu hút đó là làm việc không quá 60 tháng tại những vùng nêu trên. Đồng thời trong nghị định trên cũng quy định cách tính phụ cấp thu hút theo công thức như sau:
Phụ cấp thu hút = Mức lương hiện hưởng x 70% + Phụ cấp chức vụ nếu có + Phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có
Người lao động đảm nhận những công việc trong đó thường xuyên phải di chuyển, thay đổi địa điểm làm việc sẽ được hưởng loại phụ cấp này. Cụ thể hơn thì công ty hay doanh nghiệp sẽ tiến hành đánh giá, rà soát công việc của người lao động và nếu đủ điều kiện thì người lao động sẽ được hưởng phụ cấp lưu động không vượt quá 10% mức lương hiện hưởng theo quy định.
Phụ cấp chức vụ, chức danh được chi trả cho những người lao động hiện đang giữ chức vụ quan trọng và cần có những trình độ, năng lực hay tinh thần trách nhiệm cao, chẳng hạn như trưởng phòng, giám đốc cơ sở, giám đốc chi nhánh…
Mức phụ cấp chức vụ, chức danh mà người lao động được hưởng sẽ ở mức tối đa là 15% so với mức lương chuyên môn, nghiệp vụ được quy định trong bảng lương. Nếu người lao động không làm việc liên tục từ 1 tháng trở lên thì cũng sẽ không được nhận loại phụ cấp lương này.
Tham khảo: Hướng dẫn cách tình phụ cấp trách nhiệm
Ngoài những khoản phụ cấp theo quy định của pháp luật như đã liệt kê ở trên, thì người lao động còn có thể được hưởng những khoản phụ cấp khác theo quy định riêng của từng công ty, doanh nghiệp chẳng hạn như: phụ cấp điện thoại, phụ cấp đi lại, phụ cấp nhà ở, phụ cấp năng suất công việc, thưởng tháng lương thứ 13, phụ cấp nuôi con nhỏ…
Xem thêm: Lương tháng 13 có bắt buộc không?
Theo quy định của pháp luật, các khoản lương, phụ cấp lương và các khoản khác mà người lao động được nhận đều có thể nằm trong danh sách cần đóng BHXH.
Cụ thể hơn quy định về việc đóng BHXH đối với những khoản phụ cấp lương dành cho người lao động như sau:
- Người lao động cần phải đóng BHXH đối với mức lương được thỏa thuận theo công việc hoặc chức danh
- Người lao động cần phải đóng BHXH đối với các khoản phụ cấp lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động (bao gồm tất cả các loại phụ cấp đã được đề cập đến trong phần trước).
- Các khoản bổ sung khác được xác định giá trị cụ thể và nhận cùng với mức lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Ngoài ra, cũng có những khoản thu nhập khác mà người lao động không cần đóng BHXH, trong đó bao gồm các khoản phụ cấp ăn uống và đi lại, phụ cấp điện thoại, phụ cấp nhà ở, phụ cấp nuôi con nhỏ, tiền thưởng vượt KPI, các khoản tiền hỗ trợ hiếu hỉ…
Qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết, chắc hẳn bạn đọc đã có cái nhìn chi tiết hơn về vấn đề phụ cấp lương trong doanh nghiệp cũng như những quy định liên quan đến BHXH liên quan đến phụ cấp lương. Phụ cấp là quyền lợi chính đáng của mỗi người lao động, vì vậy bạn cần hiểu rõ về điều này để có thể yêu cầu những quyền lợi chính đáng mà bản thân xứng đáng được hưởng nhé!
Công thức tính lương KPI
Một số công thức tính lương mà bạn cần quan tâm là gì? Cách thức tính lương cơ bản theo KPI là gì? Có nên tính lương bằng phần mềm KPI hay không?
Chia sẻ
Bình luận