Tác giả: Phương Anh Nguyễn
Là một thương hiệu thời trang đình đám thế giới, Nike gây ấn tượng mạnh với những sản phẩm thể thao cực kỳ năng động và trendy. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của ông lớn này không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn chính là ở mô hình chuỗi cung ứng. Vậy, chuỗi cung ứng của Nike có gì đặc biệt? Thương hiệu được định giá lên tới 29,6 tỷ USD này đã xây dựng một mô hình quản lý chuỗi cung ứng đem lại hiệu quả lớn như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời chi tiết nhất về chuỗi cung ứng của Nike.
Là một thương hiệu thời trang đình đám, các sản phẩm của Nike có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy được rằng họ có một hệ thống phân phối sản phẩm cực kỳ tốt. Vậy, cách thức hoạt động và tổ chức chuỗi cung ứng của Nike đã được xây dựng như thế nào?
Trước đây, để thuận tiện cho việc phân phối sản phẩm đến các nước trên thế giới, Nike đã đặt mỗi nước một nhà máy phân phối độc lập. Tuy nhiên, điều này đã xảy ra hiện tượng hàng tồn kho vô cùng lớn, ví dụ như các mẫu thiết kế này được bán chạy tại Nhật Bản, Việt Nam,...thế nhưng lại bị “thất thủ” ở Anh hay một số quốc gia Châu Âu khác. Điều này khiến cho tổn thất mà Nike phải chịu bởi số hàng tồn kho đó lên tới 10 triệu USD và con số này còn gia tăng theo từng năm.
Chính bất cập từ cách cung ứng và phân phối sản phẩm trên đã đòi hỏi Nike cần có sự thay đổi trong mô hình chuỗi cung ứng của mình để giảm thiểu thiệt hại do số lượng hàng tồn kho quá lớn ở các nước. Và cách giải quyết được đưa ra chính là tập trung các kho riêng lẻ thành một kho lớn để phân phối và cung ứng sản phẩm tới các điểm bán. Cách này đã giúp cho Nike tiết kiệm hơn rất nhiều so với mô hình cũ.
Không chỉ vậy, định hướng của Nike trong việc xây dựng mô hình chuỗi cung ứng chính là biến việc này trở thành một trong lợi thế cạnh tranh của mình. Nike đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng các hệ thống hỗ trợ thông tin cho các chuỗi cung ứng sản phẩm, điều này đã đáp ứng được nhu cầu về định lượng, lên kế hoạch cho việc phân phối một cách tự động và chính xác hơn rất nhiều.
Nhờ sự thay đổi kịp thời này cộng với sự áp dụng của công nghệ đã giúp cho khả năng sản xuất của Nike được thúc đẩy nhanh hơn. Lợi nhuận cũng từ đó mà tăng lên đáng kể, con số 42,9% đã phản ánh được sự phát triển của Nike sau khi tái cấu trúc về mô hình chuỗi cung ứng của mình.
Trước khi thiết lập bất cứ chuỗi cung ứng nào thì Nike đều đưa ra những nguyên tắc để đảm bảo cho mô hình chuỗi cung ứng có thể mang lại hiệu quả tối đa nhất. Những nguyên tắc khi xây dựng mô hình chuỗi cung ứng của Nike bao gồm:
- Tiến hành giảm tỷ lệ lượng hàng cần sản xuất khi chưa nhận được sự xác nhận một cách chắc chắn mua hàng của các nhà bán lẻ. Điều này giúp cho lượng hàng tồn kho của nike đã được giảm xuống từ 30% còn 3%.
- Tiến hành rút ngắn về mặt thời gian từ 9 tháng xuống 6 tháng kể từ lúc đơn đặt hàng được nhận cho tới khi phân phối hàng đến được tay người tiêu dùng.
- Thực hiện tốt trong vấn đề quản lý các mặt hàng bị trả lại.
- Tạo dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác cung ứng sản phẩm của mình.
- Thiết lập các chương trình kinh doanh liên tục nhằm hạn chế được những rủi ro từ hoạt động thuê ngoài (outsourcing) cũng như khả năng quản trị rủi ro tốt hơn ở từng mắt xích của chuỗi cung ứng tương ứng.
Mô hình xây dựng chuỗi cung ứng mà Nike hướng tới chính là chuỗi cung ứng “ảo”. Điều này có nghĩa là họ sử dụng outsourcing cho quá trình gia công sản phẩm và chỉ thực hiện các công việc được xem như là thế mạnh và chủ lực của mình, như: nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, marketing, quản lý và chiêu thị sản phẩm ra thị trường.
Thực tế thì Nike sẽ có 2 sự lựa chọn cho mình, đó là sử dụng các nhà máy trong nước để thuận tiện cho việc quản lý, tuy nhiên, cách này lại khá tốn kém. Trong khi đó, nếu sử dụng các nhà máy gia công ở các quốc gia châu Á như Việt Nam thì chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều do lương thấp hơn. Và cuối cùng, thuê các công ty gia công ở nước ngoài, những nước thuộc nền kinh tế thứ 3 chính là sự lựa chọn của Nike.
Cách thức mà Nike làm việc với các đối tác gia công sản phẩm chính là họ nghiên cứu và thiết kế mẫu sản phẩm, sau đó đưa cho công ty để họ sản xuất mẫu. Lúc này, sau khi công ty sản xuất xong, họ sẽ đánh giá và ký hợp đồng gia công sản phẩm nếu sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu. Trong quá trình sản xuất, gia công, mọi quy trình sẽ được nhân viên của Nike trực tiếp quản lý và theo dõi về tiến độ sản xuất cũng như chất lượng của sản phẩm.
Với việc sử dụng Outsourcing này, Nike thực hiện theo lối “mua đứt bán đoạn”. Có nghĩa là nhà máy sản xuất sẽ tự thực hiện việc đặt mua nguyên liệu, tuy nhiên, mọi danh sách liên quan đều phải nằm trong sự quản lý của Nike. Điều này giúp họ nắm rõ được chi phí của các nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm của mình. Khi quá trình sản xuất đã được hoàn thành, Nike sẽ tiến hành trả chi phí sản xuất và gia công sản phẩm. Các sản phẩm sẽ được vận chuyển tới công ty của Nike và họ bắt đầu phân phối và bán sản phẩm đó.
Ta có thể nhận thấy rằng, Nike không tham gia vào quá trình gia công sản phẩm, thế nhưng, điều này đã giúp ông lớn của ngành thời trang có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho việc quản trị, sản xuất sản phẩm cũng như chi phí thuê nhân công. Đây chính là mô hình chuỗi cung ứng ảo mà Nike đang sử dụng và mang lại hiệu ứng rất tốt cho tới thời điểm hiện tại.
Mặc dù việc sử dụng chuỗi cung ứng ảo sẽ gây ra các vấn đề như khoảng cách về địa lý hay sự tin tưởng giữa các đối tác,... Tuy nhiên, với sự hỗ trợ về mặt công nghệ thông tin thì mọi thứ dường như dễ dàng hơn cho Nike trong việc nắm bắt tình hình và quản trị các chuỗi cung ứng ảo của mình. Thêm vào đó, các chuỗi cung ứng ảo này rất dễ dàng để thay đổi và Nike có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nhất là khi việc sử dụng chuỗi cung ứng ảo vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm cần có.
Trong một chuỗi cung ứng sản phẩm của Nike thì sẽ có nhiều thành phần khác nhau. Và những thành phần được xem là quan trọng và ảnh hưởng tới quá trình cung ứng, phân phối sản phẩm của Nike có thể kể đến như:
Các nhà cung ứng đóng vai trò quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng của Nike. Bởi đây sẽ chính là nơi tạo ra sản phẩm mà từ đó Nike mới có thể phân phối tới các địa điểm bán hàng trên toàn thế giới.
Hiện tại, Nike ký kết hợp đồng gia công với các quốc gia châu Á là chủ yếu, bởi đây là những quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, chi phí thấp. Các nhà cung ứng chính của Nike hiện đang được đặt tại các quốc gia như: Trung Quốc, Việt Nam, Thái lan, Indonesia, Ấn Độ, Brazil,....
Yếu tố quan trọng thứ hai chính là khách hàng. Bởi sau cả một quá trình thì điều cần nhất chính là cung ứng sản phẩm tới tay khách hàng.
Xây dựng và sử dụng các chiến lược nhằm gia tăng người dùng cũng như thúc đẩy sự trung thành với thương hiệu trong họ là điều mà Nike đang thực hiện rất tốt. Điều này đảm bảo được lượng hàng của Nike được tiêu thụ một cách ổn định.
Một trong những chiến lược mà Nike đã làm đó chính là thu hồi lại những đôi giày đã qua sử dụng để tạo thành các sân chạy, sân bóng rổ cho cộng đồng. Đây được xem như những hành động đóng góp cho xã hội mà Nike đã và đang làm cho tới này. Góp phần không nhỏ trong việc giúp thương hiệu này trở nên gần gũi hơn trong mắt khách hàng.
Kênh phân phối chính là yếu tố không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của Nike. Bởi chính những kênh này sẽ giúp sản phẩm của Nike đến gần hơn với người tiêu dùng. 2 kênh phân phối chính nhất mà Nike triển khai đó là:
- Trung tâm phân phối cho chuỗi cung ứng của Nike: Các trung tâm này sẽ có nhiệm vụ là tiếp nhận và quản lý những đơn đặt hàng mà Nike cung cấp. Sau đó, từ đây, họ sẽ liên kết với các công ty logistics để tiến hành phân phối sản phẩm tới các nơi trên thế giới. 20 chính là số trung tâm phân phối cho chuỗi cung ứng mà nike đang xây dựng và sở hữu.
- Các cửa hàng bán lẻ: Với những cửa hàng bán lẻ, Nike xây dựng theo nhiều mô hình khác nhau. Ví dụ như của hàng dành cho nhân viên của Nike, cửa hàng outlet với các sản phẩm sản xuất bị lỗi nhỏ, hay các cửa hàng retail với những sản phẩm được đảm bảo chất lượng chính hãng,...
Thông qua các thông tin về chuỗi cung ứng của Nike, ta có thể nhận thấy và rút ra được những bài học như sau:
Với ví dụ tiêu biểu là Nike, ta có thể nhận thấy rằng chính công nghệ đã giúp Nike có thể thực hiện được mô hình chuỗi cung ứng ảo của mình một cách mượt mà và có độ chính xác cao. Phần mềm quản lý kênh phân phối giúp Nike trao đổi dữ liệu trong hệ thống kênh phân phối tốt hơn, khả năng về việc đồng độ dự đoán nhu cầu và kế hoạch sản xuất được đảm bảo hơn.
Việc nhận định rõ mô hình chuỗi cung ứng là một lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đã giúp Nike tiến hành nghiên cứu để xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả và khả thi cao. Điều này không chỉ giúp Nike giải được bài toán chi phí mà quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm tới tay khách hàng cũng được cải thiện hơn rất nhiều.
Với Outsourcing thì sự cộng tác là yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công của chuỗi cung ứng được xây dựng. Do vậy mà Nike luôn chú trọng trong việc nâng cao mối quan hệ cộng tác với các đối tác cung ứng sản phẩm của mình. vì thế, với những công ty không có thiện ý thì họ sẵn sàng bỏ qua và không hợp tác.
Có thể thấy rằng, doanh thu, lợi nhuận của Nike không chỉ đến bởi hoạt động, chiến lược marketing ấn tượng mà còn xuất phát từ chính chuỗi cung ứng của Nike. Với việc đầu tư nghiên cứu và xây dựng mô hình chuỗi cung ứng như hiện nay đã giúp Nike có thể dễ dàng hơn trong việc quản trị rủi ro từ các mặt hàng tồn kho cũng như giải quyết được các vấn đề trong quá trình sản xuất gia công và phân phối sản phẩm tới khách hàng. Mong rằng, bài viết đã gửi tới bạn những thông tin hữu ích về chuỗi cung ứng của Nike.
Kênh phân phối của Apple - Ông lớn trong làng công nghệ
Có bao giờ bạn thắc mắc về kênh phân phối của Apple hay không? Làm thế nào để các sản phẩm nhà Táo khuyết có thể đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng nhất? bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kênh phân phối của Apple.
Bài viết liên quan
Từ khóa liên quan
Chuyên mục