Quay lại

Câu chuyện nghề nghiệp: “Chọn con tim hay là nghe lý trí”?

Tác giả: Lại Trang

Ai rồi cũng đến lúc phải đưa ra cho mình quyết định quan trọng, quyết định chọn trường, quyết định kết hôn, quyết định ly hôn. Nhưng có lẽ, quyết định chọn nghề bao giờ cũng khó khăn nhất. Nhiều người may mắn lựa chọn cho mình được một cái nghề theo đam mê, nhưng vài người khác có thể phải dành cả thanh xuân để “trả giá” cho sự lựa chọn của mình. Còn bạn thì sao, trước ngưỡng cửa nghề nghiệp, bạn đã bao giờ đặt câu hỏi giữa con tim và lý trí, bên nào nặng hơn?!

Việc làm Sinh viên mới tốt nghiệp - Thực tập

1. Bạn có đang mơ hồ trong câu chuyện chọn nghề?

Ngay từ khi sinh ra nhiều người trong chúng ta đều được áp đặt một lối suy nghĩ là phải thành công. Mỗi câu chúc của ông bà, bố mẹ ta ngay từ thời còn thơ bé, là ăn nhanh, chóng lớn, học giỏi. Thế nhưng, suy cho cùng, điểm kết cho sự học giỏi hay học cho bằng bạn bằng bè ấy luôn luôn có sợi dây nối vô hình với sự thành công về sự nghiệp trong tương lai. Một thực tế mà bạn và tôi không thể nào phủ nhận là, nhiều người trong chúng ta bị ép phải theo học những môn học chúng ta không hề yêu thích, thậm chí chưa hề có ý niệm gì về nó. 

Sau này khi lớn lên, chúng ta tham gia đủ kì học sinh giỏi rồi cạnh tranh nhau từng 0.25 điểm để thi đậu vào những ngôi trường đại học có tiếng, theo tiếng gọi của thành công trong giấc mơ được người thân trao gửi ngày còn thơ bé. Nhiều người khác, đọc đủ mọi tài liệu, lựa chọn cho mình những hình mẫu lý tưởng: những chàng tỷ phú hàng đầu thế giới như Mark Zuckerberg hay Jeff Bezos để vẽ lên hình dáng của thành công làm mục tiêu theo đuổi. Với những câu hỏi làm sao để kiếm được nhiều tiền như họ, làm cách nào để thành công như họ, thậm chí phải làm sao thực hiện giùm bố mẹ giấc mơ nghề nghiệp làm “ông nọ, bà kia” làm tâm trí bạn mê mải. Nhưng có bao giờ, bạn nhìn lại và thực sự hiểu, thành công trong bạn là gì. Bill Gates từng nhận định thế này: “Thành công là người thầy tồi tệ, nó quyến rũ những người thông minh vào ý nghĩ rằng họ sẽ chẳng bao giờ thất bại”. Với vài người khác, thành công trong công việc là khi họ kiếm được nhiều tiền, hoàn thành được giấc mơ đã đặt ra. Với tôi, thành công đơn giản là có thể tìm được niềm yêu thích trong một lĩnh vực nào đấy. Thành công đơn giản là đưa ra được lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn và có thể bám trụ được với nghề đó suốt cuộc đời.

 Nick vujicic từng nói “Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê”. Để đi đến thành công trong công việc, ngọn lửa đam mê là không thể thiếu. Nhưng bạn biết đấy, không phải ai có thể đưa ra định nghĩa về đam mê cho chính mình. Và vì thế, họ chới với khi đứng trước quyết định chọn trường, họ nghe theo những lời mời gọi đường mật trên Google về những ngôi trường top, chọn những ngành điểm cao và sau đó… ra trường với một tâm lý mơ hồ. Một cô, cậu sinh viên 22 tuổi cầm tấm bằng cử nhân khi cánh cổng đại học khép lại với hàng loạt những nỗi băn khoăn về chọn nghề, chọn con đường sự nghiệp không còn là câu chuyện quá mới. Bạn đã đủ can đảm để theo đuổi giấc mơ của mình mà xã hội không có nhu cầu tuyển dụng dồi dào? Bạn có đủ sức mạnh để khẳng định với tôi rằng, bạn có thể bám trụ được với nghề mà không có niềm yêu thích? Đặc biệt khi bạn còn trẻ, ý nghĩ làm sao có thể chùn chân tại một chỗ để gắn bó với công việc mà bạn không hề có cảm tình trong khi ánh sáng cho cơ hội tìm công việc đam mê của bạn chỉ thực sự le lói. Bạn “chọn con tim hay là nghe lý trí”? 

2. Nguyên nhân nào dẫn đến sự mơ hồ trong quyết định lựa chọn nghề nghiệp?

Nếu bây giờ đây, đọc những dòng này khi bạn đang sắp sửa rời cánh cổng đại học mà vẫn hoang mang chưa biết lựa chọn đâu là con đường nghề nghiệp bạn nên đi, công ty nào bạn nên đầu quân hay có nên bỏ toàn bộ hơn 4,5 năm đại học và đi theo tiếng gọi của con tim về nghề nghiệp mình thực sự yêu thích thì đừng quá lo lắng, cũng đừng trách bản thân mình. Bởi vì, đó không hoàn toàn là lỗi của bạn. Hãy bình tĩnh, nhìn lại con đường mà mình đã qua và suy ngẫm về những nguyên nhân sau đây. Nguyên nhân nào là tác nhân chính mang đến cho bạn cảm giác mơ hồ đó. Chỉ khi, chúng ta tìm ra được nguyên nhân gây ra những gì đang đến với bạn hiện tại thì lúc ấy chúng ta mới có thể tìm ra được câu trả lời chính xác cho con đường chúng ta nên đi tiếp theo.

2.1. Chính sách giáo dục thiếu hợp lý

Nguyên nhân đầu tiên mà có thể tôi và bạn, chúng ta bị ép buộc phải trải qua khi chuẩn bị bước vào cánh cổng trường đó chính là giáo dục nhồi nhét theo kiểu truyền thống. Chắc chắn tôi hiểu cảm giác ngày còn tiểu học bạn phải khoác trên vai chiếc balo nặng trịch với đủ thứ sách vở. Khi đến lớp thì được thầy cô giảng cho những bài học “trên trời”, về nhà thì phải hoàn thành một đống bài tập đến không có thời gian nghỉ. Bạn có bị ám ảnh bởi những bài giải toán dài ngoẵng về bất đẳng thức Cauchy-Schwarz ngày lớp 8? Bạn còn nhớ cái cảm giác vừa mơ hồ vừa buồn ngủ khi phải vùi đầu vào bài lý thuyết lịch sử với hàng tá những sự kiện và mà thời điểm đó nhiều bạn trẻ thiết nghĩ, ngày sau cũng không thể nào ứng dụng cho cuộc sống.

Tôi không phải là dân khối C chính hiệu, nhưng may mắn thay, ông bà nội tôi sinh ra trong thời chiến. Gia đình lớn của tôi cũng có hai người từng hi sinh trên chiến trường. Chính ông bà là những thầy cô lịch sử đầu tiên, những người mang đến cho tôi những ký ức đau khổ về chiến tranh, về nỗi đau nhưng anh hùng của dân tộc. Tôi đã nghẹn lòng khi lần đầu tiên nghe đến những câu thơ về cô em du kích trong một thoáng “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam và thực sự không thể kìm được nước mắt khi lần đầu trong đời nghe cô giáo dạy văn lớp tôi đọc lên những vần thơ trong “Khoảng trời và hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ. Tôi muốn bạn cùng tôi cảm nhận những vần thơ ấy để ôn lại những khoảnh khắc của lịch sử nước nhà, để nhớ rằng, chúng ta nên học lịch sử để biết ơn những người con gái tuổi đôi mươi đã hi sinh thân mình để cho chúng ta cuộc sống ngày hôm nay chứ không phải trong những trang  sách giáo khoa Lịch sử dài ngoằng ngoẵng và “ám ảnh” bao thế hệ: 

“Tôi nhìn xuống hố bom Mỹ giết em

Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ

Đất nước mình nhân hậu,

 có nước trời xoa dịu vết thương đau

Em nằm dưới đất sâu

 như khoảng trời nằm yên trong đất

Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời sáng lung linh”.

Có thể bạn không tin, nhưng tôi thực sự thấy đau lòng khi trên đài báo những năm gần đây vẫn thông tin về hàng ngàn những bài thi môn Lịch sử điểm 0, về hiện tượng xé những đề kiểm tra, xé tài liệu lịch sử thậm chí, xé sách  giáo khoa các môn học được các bạn cho là không cho là quan trọng sau những kì thi như trút đi được gánh nặng “bắt buộc” phải học , bị nhồi nhét kiến thức bấy lâu nay, được “xõa” và thoát khỏi những môn học “tra tấn” các bạn ấy mỗi buổi lên lớp. Đề xuất cho định hướng phát triển giáo dục trong tình trạng đó, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng “Thứ nhất, thiết kế chương trình và viết sách giáo khoa phải coi môn Lịch sử là môn cơ bản, bắt buộc trong chương trình phổ thông, có nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục phẩm chất năng lực con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu của đất nước”.

Lịch sử chỉ là một ví dụ điển hình. Còn thực tế, thực trạng chán ghét các môn học vì lối giáo dục cũ kĩ thiếu năng động làm học sinh mệt mỏi, kết hợp những phương pháp định hướng nghề nghiệp không thực sự chuyên nghiệp, bài bản đã ảnh hưởng ít nhiều đến khâu lựa chọn nghề nghiệp của phần lớn các bạn trẻ. Dĩ nhiên, tôi không phủ nhận những nỗ lực thay đổi trong chính sách cải cách chương trình sách của Bộ Giáo dục những năm gần đây. Nhưng cá thân tôi thấy rằng, chặng đường cải cách để có thể đạt đến mức hiện đại tại các nước phát triển như Phần Lan, Nhật Bản, Mỹ… còn rất dài và gian nan.

Chắc bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, thay vì những bài học lý thuyết khô khan, sáo rỗng, chúng ta nên kết hợp với những bài thực hành thực tế và nên được chỉ ra những ứng dụng, giá trị của môn học đó với cuộc sống như các chuyến du lịch tham quan, những cuộc thi tìm hiểu… hẳn sẽ thú vị hơn nhiều. 

Nền giáo dục của chúng ta nặng về thi cử. Mối lo thường trực của phụ huynh, giáo viên, học sinh là chỉ làm sao cho học sinh thi đỗ vào những trường tốp với số điểm cao mà coi nhẹ các môn về kỹ năng, xã hội. Không phải tôi đang cố nới ra lỗ hổng của giáo dục hiện tại mà thực tế là thế. Ngay từ ngày còn học phổ thông, những khái niệm về kỹ năng mềm với tôi thực sự xa vời. Tôi chưa từng nghe ai nhắc đến và lý giải sự cần thiết của nó trong cuộc sống sau này như thế nào cho đến khi bước chân vào cánh cổng trường đại học. Còn bạn bè tôi thời đó, chỉ mơ ước sao, sau quá trình ôn luyện vất vả các môn bộ môn theo khối A, B, C, D để sau này đậu Bách khoa (Đại học Bách khoa) với An ninh (Học viện An ninh)… chứ hiếm khi có thái độ nghiêm túc trong học hành các môn trái khối hay giáo dục công dân hay tin học. Phần lớn thời gian, chúng ta dành cho việc học ở trường, thế nhưng, trường học chưa thực sự là sư trợ giúp đắc lực. Những đề cập trên đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách chọn nghề của các bạn trẻ thời điểm hiện tại.

2.2.  Gia đình chưa thực sự là môi trường giáo dục hiệu quả

Mọi người bảo, “Gia đình là tế bào của xã hội”. Mọi động thái của gia đình dù nhỏ nhất xảy ra cũng tác động đến sự sự phát triển của xã hội. Và dĩ nhiên, cách giáo dục và định hướng nghề nghiệp của gia đình ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn nghề của con cái sau này, ảnh hưởng đến tương lai toàn xã hội. Nếu chúng ta bằng tuổi nhau, và bạn sinh ra ở nông thôn như tôi, chắc may mắn hơn cho chúng ta là thời điểm đó là không phải lo nghĩ quá nhiều về vấn đề cho đi học “bồi dưỡng” hay đến những lò luyện thi, cho đi học những trung tâm ngoại ngữ ngay từ thời còn bé đến mức ngốn hết cả thời gian nghỉ hè như các bạn ở thành phố.

Đương nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, các bạn tôi ở thủ đô đều có thể “chém” tiếng Anh như gió, trong khi đó, tôi phải vật lộn trong thời gian dài để giao tiếp với người nước ngoài. Tôi cũng hiểu được tâm lý của phụ huynh khi muốn định hướng cho con chọn được nghề tốt trong tương lai. Nhưng, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là xu hướng “chọn nghề thay con” lấn át hẳn những mong ước được theo đuổi nghề mơ ước của nhiều bậc phụ huynh. Nó ép con em của chúng ta bị rơi vào tình huống thực hiện giùm bố mẹ những giấc mơ mà có thể chính bản thân chúng không thích và không có ý niệm gì về nó.

Khoảng cách giàu nghèo quá sâu, giữa cuộc sống nông thôn và thành phố - nó biến chính các bạn trẻ tại thành phố hay nhiều gia đình có điều kiện ở nông thôn vẽ ra những định hướng nghề nghiệp theo ý nguyện của gia đình và bằng mọi cách để đáp ứng cho con cái họ những điều kiện về vật chất chỉ để học cho thành tài. Tuy nhiên, bố mẹ dường như đã quên rằng, sự nhiệt tình quá mức của họ đang đẩy con cái họ vào tình cảnh “bị đánh cắp” tuổi thơ bởi gánh nặng bài vở, những trung tâm luyện thi, những kỳ thi học sinh giỏi và không thể hiểu tâm lý con cái của bố mẹ. Tôi không muốn khoét sâu nỗi đau của phụ huynh những trường hợp nhạy cảm trước đó, nhưng rõ ràng, chúng ta đang sống trong xã hội mà chính tham vọng của cha mẹ đã vô tình tạo ra bi kịch cho con cái.

Những câu chuyện đẫm nước mắt nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho thế hệ phụ huynh hiện đại đang xảy ra trong xã hội chúng ta là những ví dụ điểm hình. Bạn còn nhớ, cứ gần đến những kỳ thi hoặc khi kết thúc những kỳ học sinh giỏi, bên cạnh những tin vui từ những điểm 10, những điểm cao, những giải có số… người ta vẫn nghe đâu đó, trên báo chí, những trang tin, cả mạng xã hội và sững sờ trước những câu chuyện đau lòng.  Học sinh để lại lá thư tuyệt mệnh rồi tự tử hay trầm cảm vì điểm thấp, vì thi trượt và vì không thể làm hài lòng kỳ vọng của cha mẹ. Áp lực từ phía gia đình như lưỡi hái tử thần thường trực hằng ngày trên đôi vai bé nhỏ của nhiều bạn trẻ trở nên nặng nề đến mức khiến học sinh dù đạt trung bình môn là 8.9 vẫn cảm thấy quá kém cỏi vì không thể giành ngôi đầu lớp. Em học sinh đó đã tự tử. Trước đó, cái chết cũng là lựa chọn cuối cùng của một em học sinh tại Tp. Hồ Chí Minh khi em không hoàn thành ước của bố mẹ vì trượt trường công an.

Dĩ nhiên, không phải tất cả những định hướng của cha mẹ đều sai, nhưng chính những kỳ vọng quá cao của họ, xu hướng lựa chọn nghề thay con trong khi chưa thực sự nắm được khả năng con mình như thế nào, thích điều gì không chỉ gây ra những định hướng nghề nghiệp mơ hồ, thậm chí lệch lạc trong các bạn trẻ và còn gây áp lực đến sức khỏe cũng như đời sống tinh thần của con cái.

Ngày còn sinh viên, tôi may mắn được cùng anh chị bên báo đi lên thăm và trao quà cho các em học sinh miền núi tại Hà Giang và Sơn La. Trong một cuộc trò chuyện ngắn với bác phụ huynh người dân tộc Mông, bác có bảo “ Dù vất vả thế nào cũng chỉ mong con cái có được con chữ, ngày sau có được cái nghề như thằng bé nó thích. Nó muốn trở thành bác sĩ để dân bản không phải vào rừng hái lá thay đi trạm xá lấy thuốc”. Bằng tiếng Kinh không thật sự sõi, nhưng tôi cảm nhận được niềm mong mỏi, trăn trở của bác để bọn trẻ theo đuổi ước mơ nó lớn như thế nào. Nếu có cơ hội, đến những vùng đất xa xôi, nơi địa đầu của tổ quốc và chứng kiến chặng đường đi học là những con suối đá, nước sủi bọt trắng xóa mùa lũ, đất bên kia ngọn đồi chỉ chờ mưa xối xuống chút nữa là sạt lở, thì bạn mới thấu hiểu hết được sự khó khăn, cũng như giá trị của những hi vọng và động viên con cái tập trung học hành để kiếm được cái nghề từ phía bố mẹ nó quan trọng đến thế nào.

 Ở thế ngược lại, thay vì quá thúc ép các bạn nhỏ phải thực hiện giùm ước mơ thì đơn giản hãy để các bạn ấy có quyền được lựa chọn những gì mà các bạn yêu thích. Bố mẹ nên là những người định hướng chứ không phải là những người có quyền ép con cái phải theo tất cả những gì mình mong muốn. Nhìn những nụ cười của các em khi nhận được chụp ảnh cùng cô chú miền xuôi, khi nô đùa cùng nhau trên tấm sân bằng nền đất của điểm trường dân tộc vùng cao, tôi chỉ mong rằng, các em mãi giữ được nụ cười ấy trước những chông gai phía trước, đặc biệt là khi đứng trước những quyết định nghề nghiệp sau này. Cuộc sống này rồi sẽ tốt đẹp lên, một điều chắc chắn là ngày sau các em sẽ được học tập trong những ngôi trường mới hơn, cơ sở vật chất khang trang hơn với những chính sách định hướng nghề nghiệp tốt hơn và sẽ lựa chọn được con đường đi cho riêng mình. Nhưng dù vậy đi chăng nữa, cũng đừng quên rằng, chính mảnh đất đói nghèo nơi có những người bố mẹ thực sự thấu hiểu, luôn ủng hộ ước mơ của mình với quãng thời gian vô lo, vô nghĩ thì hãy trân trọng nó. Bởi vì, so sánh với một số bạn khác ở thành phố bị áp lực bài vở hay những ước mơ của gia đình đè nặng, thì ít nhất các em vẫn còn có một tuổi thơ đáng nhớ.

2.3. Bạn chưa thực sự nghiêm túc với con đường sự nghiệp

Frank Tyger - nhà báo từng gắn bó gần như cả cuộc đời với tờ Trenton Times có nói rằng “Tương lai của bạn phụ thuộc vào rất nhiều điều nhưng chủ yếu là vào bạn”. Trong câu nói trên khi áp vào lý do để các bạn trẻ hiện tại cảm thấy mơ hồ trước những lựa chọn nghề nghiệp, tôi nghĩ rằng chỉ đúng có một nửa. Như ban đầu tôi đã nói, sở dĩ, chúng ta cảm thấy thiếu tự tin, hoang mang khi đứng trước cánh cửa cuộc đời chỉ bởi vì môi trường giáo dục từ xã hội và nhà trường chưa thực sự hiệu quả. Nhưng nó chỉ đúng với những bạn khi bị đặt vào hoàn cảnh như tôi đã phân tích. Còn phần lớn chúng ta, những người đã có những năm tháng thanh xuân êm đềm, được bố mẹ ủng hộ học tập và lựa chọn nghề theo đam mê, may mắn được học trong những ngôi trường có phương thức giáo dục tân tiến, nếu còn thấy khó khăn khi đưa ra những quyết định, thì bạn có thể bạn đang lọt trong nhóm nguyên nhân thứ ba. Đó là bạn thiếu những cập nhật cho trang tin tức cuộc đời mình: mình thực sự thích gì và xu hướng ngành trong xã hội hiện đại cần gì.

Một trong những câu nói của Jack Ma mà tôi cực kỳ ưa thích đó là “Khi bạn đang 25 tuổi, hãy cứ sai lầm đi, đừng lo lắng gì cả, ngã thì đứng dậy, thất bại thì lại vùng lên thôi”. Cái “vùng lên” mà cha đẻ của Alibaba muốn nhấn mạnh ở đây là sự nỗ lực hoàn thiện bản thân sau những lần vấp ngã. Thế nhưng, để có thể “vùng lên” được và nỗ lực thực hiện mục tiêu được, bạn phải xác định cho mình mục tiêu đó là gì và tính khả thi khi thực hiện mục tiêu đó như thế nào bởi vì tương lai  này là của bạn và dĩ nhiên không ai muốn phải đánh đổi những tháng năm thanh xuân của mình bằng những ngày hoài phí trên ghế nhà trường mà không biết điểm đến của mình là gì. Nhưng buồn là, không phải ai cũng nhận ra được điều đó.

Có thể, xuất phát điểm của sự khám phá bản thân mình thích gì, hãy tìm hiểu nghề sau này muốn làm gì, do các yếu tố bên ngoài như tôi đã liệt kê bên trên đưa đến. Tuy nhiên, nếu như thay vì tìm hiểu xem mình thực thích làm gì trong tương lai và theo dõi đài báo viết về tình hình công việc đó thời điểm hiện tại mà vùi đầu vào “cày” game hay tham gia các trò tiêu khiển trên máy tính suốt ngày khi bạn đang sắp sửa rời khỏi cánh cổng trường THPT thì lỗi là ở bạn. Bạn thiếu trách nhiệm với tương lai của chính mình.

 Chắc bạn đã nghe đâu đó, câu chuyện kể về cách dạy trẻ con của bố mẹ Nhật Bản. Thay vì nâng con đứng dậy khi bị ngã và trách mặt đất vì làm con họ đau, những ông bố bà mẹ khuyến khích con mình tự đứng lên trên đôi chân của chính mình. Thế nhưng, câu chuyện đó chỉ đúng khi các bạn còn bé thôi, bởi vì khi lớn lên, chúng ta buộc phải có trách nhiệm với tương lai của chính mình. Không ai có thể theo sát các bạn khi các bạn đã trưởng thành và đủ sức quyết định cho chính con đường nghề nghiệp của bạn thay bản thân bạn cả. Nếu như các bạn đã cố gắng mà không thể tìm được mình thực sự muốn gì thì hãy tiếp tục trải nghiệm để tìm ra mục tiêu để phấn đấu. Nếu như các bạn đã tra cứu đầy đủ những xu hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai, nhưng chẳng may những xu hướng đó không  gọi tên ước mơ của bạn thì cũng đừng vội nản chí. Hãy cứ tích góp những kỹ năng cần thiết, thử làm nhiều công việc mới, và cố gắng trở nên “đa di năng” nhất có thể.

Chúng ta có thể không tài năng khi được sinh ra, nhưng chúng ta có thể học tập, tích lũy từ bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí từ chính những vấp ngã của bạn thân để thành tài. Chính bạn nên là người tạo ra chính cơ hội cho bản thân mình chứ không phải một ai khác. “Hãy cứ sai lầm đi, đừng lo lắng gì cả”. Có sai lầm thì chúng ta mới có thể đúng sau này được. Bạn còn nhớ câu chuyện về thành công của nhà sản xuất, kiêm nhà đồng sáng lập hãng phim hoạt hình Mỹ Walt Disney không? The Walt Disney company sẽ không thể vang danh thế giới nếu như cha đẻ của nó không nỗ lực vượt qua hàng tá những thất bại ngày còn trẻ tuổi.

Bỏ học năm 16 tuổi và bị quân đội từ chối cũng chính ngay trong năm đó vì không đủ tuổi. 6 năm sau, cha đẻ của hãng hoạt hình Mỹ bị chính tờ báo ông mà ông hằng theo đuổi sa thải vì “đầu óc thiếu tưởng tượng”. Những năm tháng tiếp theo, ông tiếp tục chìm trong chuỗi ngày thất bại ê chề khi bị mất quyền sử dụng nhân vật thành công nhất – chú thỏ may mắn Oswald và bị phá sản sau hai năm khi Studio mang tên O-Gram trình làng. Những bạn biết đấy, trong chính bóng tối của chuỗi ngày gần như không còn gì gọi là hi vọng thành công của Walt Disney, ý tưởng nhân vật Chuột Mickey trên chuyến tàu từ Manhattan đến Hollywood đã ra đời. Và giờ đây, những gì mà  cả tôi và bạn nhìn thấy không chỉ chuột Mickey, chú vịt Donald mà còn rất nhiều những tác phẩm lừng danh như “Cậu bé người gỗ”, “Chú voi biết bay, Dumbo”, “Vua sư tử”… Câu chuyện trưởng thành từ những chuỗi thất bại đau đớn đến đến một trong những nhân vật được sùng bái nhất trong làng điện ảnh thế giới của Walt Disney chắc đủ để tiếp lửa cho bạn để chinh phục những khó khăn trước mắt trong con đường nghề nghiệp của mình rồi chứ? 

Cuộc sống có thể làm bạn vấp ngã, nhưng đứng lên hay không phụ thuộc vào bạn. Không ai có quyền và nghĩa vụ lựa chọn nghề nghiệp thay bạn nếu như bạn thực sự không thích. Vậy nên hãy cố gắng, tỉnh táo để đưa ra quyết định quan trọng cho cuộc đời của mình nhé. Trên chặng đường đó, dù bạn chọn nghề theo “con tim” hay nghe theo lý trí” thì bạn vẫn có đủ những lý do để tự tin rằng mình đã đúng dành toàn bộ tâm huyết cho quyết định. Bản thân tôi luôn ủng hộ các bạn. Trong trường hợp, dù đã hạ quyết tâm lựa chọn một trong hai thứ, những vẫn chưa thực sự tự tin về quyết định của mình thì hãy tham khảo những điều mà bạn sẽ nhận được sau đây và suy xét lại một lần nữa “con tim” hay “lý trí” hay những con đường khác phù hợp với bạn hơn.

3. Bạn sẽ nhận được gì nếu trên con đường nghề nghiệp của bạn khi được con tim dẫn lối?

Người ta vẫn bảo “chọn nghề như chọn bạn đời”. Nếu thời điểm hiện tại, bạn đã tìm được một được một người “bạn đời” hoàn hảo, bạn có thể “sống chung” với “người bạn đời” ấy từ buổi sáng đến tận kết thúc ca, có thể làm thêm vào ban đêm với hàng đống tài liệu, trả lời những tin nhắn của khách hàng mà không có cảm giác bị làm phiền thì chúc mừng bạn nhé. Bạn đã lọt vào tốp rất nhỏ những người trong tổng gần 8 tỷ người trên hành tinh có được diễm phúc ấy. Bởi vì, trong chúng ta không phải ai cũng có thể tìm được một đam mê nghề nghiệp và gắn bó với nó đến tận cuối đời. Mình tin chắc rằng, không một ai muốn kết hôn với người mà bản thân bạn không yêu. Công việc cũng thế. Thực tế đã chỉ ra rằng, con người chỉ tâm huyết và dành 100% năng lượng cho những gì mà mình yêu thích cho đến khi hái được quả ngọt từ chính mầm xanh mà mình đã vun trồng. Lối suy nghĩ tích cực được “đắm mình” trong đam mê khi kết nối với công việc yêu thích, với hoài bão mà mình đã đặt ra thực sự có một sức mạnh thần kì. 

Dù đã giã biệt thế giới gần một thập kỷ, thế nhưng những gì mà cựu nhà điều hành Apple để lại về tư tưởng gắn công việc với đam mê vẫn là một trong những bài học đắt giá nhất lịch sử. Câu nói của Steve Jobs thời điểm ông đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư tuyến tụy vẫn hằng là những bài học cho thế hệ trẻ về đam mê “Công việc chiếm một phần lớn cuộc sống mỗi người và cách duy nhất để làm hài lòng là làm những gì bạn nghĩ là to lớn. Và cách duy nhất để làm những công việc đó chính là yêu những gì mình làm”. Ông cũng khuyên rằng “Nếu bạn không tìm thấy lý tưởng này hãy tiếp tục tìm kiếm đừng nản lòng. Trái tim sẽ chỉ lối cho bạn và mọi chuyện sẽ tốt dần theo thời gian. Vì thế hãy quyết tâm đến cùng. Đừng bỏ cuộc”. Nếu đang đứng trước ngã ba đường hay định mệnh lựa chọn nghề nghiệp, tôi tin là câu nói của Steve sẽ tiếp cho bạn sức mạnh nhiều hơn cả thành quả mà bạn đã được trong kỳ thi đại học hay bất kỳ một kỳ thi học sinh giỏi nào bạn từng trải qua.

Nhưng tôi e rằng, những điều mà cựu điều hành viên Apple chưa thể nói hết trong câu nói trên, chính là những trải nghiệm thực tế, sự khác biệt giữa một người tìm việc đã và đang theo đuổi tiếng gọi của trái tim. Bạn có tin không khi những dòng này đang được viết bởi một cựu sinh viên trường Báo – Một đứa  đã khóc suốt mấy đêm chỉ vì bố mẹ phản đối đăng ký theo học vì nghề nguy hiểm Một đứa dành cả 3 năm trung học phổ thông và khoảng 3,5 năm trên giảng đường đại học chỉ để theo đuổi đam mê xê dịch, sống và viết. Tôi đã khóc khi ngồi nghe Đỗ Doãn Hoàng - cây bút phóng sự của Báo Lao Động kể lại những lần anh giáp mặt với tội phạm hay bị đe dọa, hành hung bởi những tên côn đồ anh từng “gây thù chuốc oán”. Chính bản thân tôi không thể ngờ, một cô bé loắt choắt như học sinh cấp ba (chính tôi ba năm trước đây) lại có thể “phục kích” một mình những đêm Long Biên mưa rét chỉ để viết một phóng sự về cuộc sống người nghiện để đăng trên trang tin Sóng trẻ của Học viện. Đam mê, một khi bạn đã đặt nó vào những quyết định và quyết tâm theo đuổi thì không gì có thể ngăn cản bạn. Đam mê chính là động lực là sức mạnh cho bạn chinh phục mọi khó khăn trên con đường sự nghiệp.

3.1. Lựa chọn công việc bằng trái tim là lý do đưa bạn tiến về phía trước mỗi ngày

Khi làm việc, vài người đặt ra câu hỏi: “Ngủ vài giờ mỗi ngày có sao không?” dĩ nhiên là có. Bạn sẽ chẳng thể làm được gì sau loạt ngày bạn bị thiếu ngủ hay suốt vùi đầu vào những chiếc laptop và phải đến văn phòng vào sáng sớm mai và tiếp tục chinh chiến với đống tài liệu cả một ngày dài. Nhưng ý tôi là, nếu như đó là công việc bạn không ưa thích, chắc chắn một điều là một điều là bạn sẽ sớm ngán ngẩm công việc đó và tìm một công việc thay thế. Nhưng nếu bạn dành cả trái tim của bạn cho công việc đó thì chắc chắn cách giải quyết của bạn sẽ khác. Bạn sẽ không thể nào cưỡng lại những cơn buồn ngủ hay đánh gục những cơn áp lực mình đang trải qua trong công việc, nhưng thay vì chấm dứt hoàn toàn hay cảm thấy chán ghét công việc thì chính đam mê và tình yêu dành cho nó cho sẽ cho bạn những giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề. Bạn có thể nhìn lại, dành nguyên vài ngày để đi xả stress, đi du lịch và sớm trở lại công việc. Giống như khi yêu, một khi bạn yêu say đắm ai đó, dù người yêu bạn có khó bảo thế nào, khi tình yêu chưa hết, bạn vẫn có thể cam tâm tình nguyện dành cả thanh xuân ở bên người đó cơ mà.

 

Trong cuộc sống của chúng ta, đâu phải chỉ công việc mang lại cho chúng ta áp lực, đâu phải công việc là mối quan tâm duy nhất. Ngoài kia, còn biết bao việc phải lo, cũng biết bao người kém may mắn hơn ta. Có thể bạn chưa thể cảm thấy được sự hạnh phúc thực sự khi mình sở hữu một công việc được trái tim lựa chọn. Nhưng, bạn nên cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Bởi vì, so sánh với hơn 192 triệu người trên hành tinh (Theo thống kê của Tổ chức lao động Quốc tế năm 2018) không có công việc, không có tiền để lo cho gia đình, phải sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp, thậm chí không thể tìm được cho mình “tình yêu thực sự” thì bạn nên trân trọng rằng, ít nhất trái tim bạn đã chọn giúp bạn công việc mà bạn có thể gắn bó lâu dài, cho bạn một lý do để tiến về phía trước. Đó chẳng phải là một điều thực sự tuyệt vời hay sao. 

Rồi sẽ có lúc, bạn cảm thấy mệt mỏi và chùn chân trước những khó khăn bủa vây xung quanh: đồng nghiệp thiếu thân thiện, sếp không tâm lý thì cũng đừng bao giờ nản lòng vì đam mê – thứ mà con tim bạn lựa chọn sẽ không bao giờ phản bội bạn. Không phải tôi đang động viên bạn đâu, mà thực tế là vậy. Không một thành công nào mà con đường đi đến nó trải đầy hoa hồng, do đó hãy mạnh mẽ và vượt qua nhé. Hẳn bạn đã nghe vài lần nghe hay thưởng thức ở đâu đó, món gà rán KFC? Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải là món gà ấy ngon như thế nào, cách thức làm ra sao mà câu chuyện truyền cảm hứng của cha đẻ của nó - Harland Sanders. Từ lúc khởi nghiệp tại trạm xăng đến lúc phá sản lần thứ nhất vì sự thoái trào nghiêm trọng của nền kinh tế Mỹ cuối những năm 1950 đến lúc có ý định tự tử khi toàn bộ tâm huyết “đổ sông đổ biển” và rồi vỡ òa trong hạnh phúc khi trở thành triệu phú năm 88 tuổi. Đó là cả một cuộc hành trình dài thách thức chiến đấu với khó khăn mà sợi chỉ đỏ đam mê nấu ăn xuyên suốt. Suy cho cùng thời gian cũng chỉ là phương tiện để con người chứng minh rằng đam mê thực sự có giá trị như thế nào. Nếu không đam mê nấu ăn, chắc ông đã chết. Niềm đam mê đấy chính là lý do duy nhất để vực lại một con người đi từ có ý định về cõi chết đến những một trong những vị đầu bếp - nhà sáng lập thương hiệu ẩm thực nổi tiếng nhất lịch sử. Còn bạn thì sao, bạn đã đủ sức mạnh, lòng kiên định để gắn bó với tình yêu của mình đến suốt cuộc đời?

3.2.  Chọn nghề nghiệp theo trái tim, bạn có cơ hội để tận hưởng cuộc sống nhiều hơn

Chúng ta làm việc để làm gì? Kiếm tiền hay tận hưởng cuộc sống? Nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi đó rồi cố gắng đi tìm một công việc để mang lại cho họ một cảm giác tận hưởng theo đúng nghĩa đen. Theo nhưng, thực tế thì ngược lại. Bạn không thể nào tìm được một công việc nào mang lại cảm giác hài lòng 100% nếu như bạn không dành trọn cả trái tim, công sức, thời gian cho nó. Chúng ta dành phần lớn thời gian sau khi tỉnh giấc để làm việc. Trung bình hơn một nửa dân số Mỹ, họ dành khoảng 47 giờ/tuần để hoàn thành công việc. Điều đó có nghĩa là chúng ta dành phần lớn cuộc đời của chúng ta cho công việc. Vậy thì để thể tận hưởng được cuộc sống, để cảm thấy thoải mái, để cảm thấy dễ thở trong phần lớn thời gian chúng ta chung sống cùng với nó thì ít nhất ngay lúc này chúng ta phải biết cách yêu những giây phút khi chúng ta đang được làm việc. Hãy tiếp tục lại câu chuyện chọn nghề như một chặng đường yêu. Tôi chắc rằng, nếu như nửa kia của bạn là công việc, hẳn là bạn sẽ luôn mong muốn “cô ấy” hay “anh ấy” phải thật sự hoàn hảo, phải thật sự làm bạn thấy dễ chịu. 

Nhưng trước khi muốn tìm được một nửa thật sự làm bạn thấy hài lòng, bạn phải xác định được “đối phương” của bạn là “mẫu người” như thế nào, hình ảnh mơ ước của bạn là gồm những đặc điểm gì trước đã đúng không? Chỉ khi nào bạn hình dung rõ được, mình thực sự có cảm tình với công việc gì, điều kiện để gắn bó với nó lâu dài thì đến khi bắt đầu “hẹn hò” bạn mới thực sự dành hết tâm sức cho “mối tình” đó. Điều quan trọng là, cảm giác thoải mái mà bạn mong ước không chỉ được mang lại từ những giá trị như tiền bạc, sự trân trọng của người khác mà là niềm vui mỗi lần được đồng hành với công việc đó mỗi ngày. Nhưng bạn cũng biết rằng, với những người chưa tìm được đam mê của họ là gì, chưa hình dung được trạng thái thành công trong công việc mình muốn hướng đến ra sao thì rất khó có thể tìm được một sự tận hưởng cuộc sống cụ thể. Kiếm tìm một cảm giác thoải mái trong công việc cũng giống như bạn đang kiếm tìm một người hiểu mình, một người mà bên cạnh họ, bạn thấy thực sự hạnh phúc.

 Nhưng “cuộc sống là sự cho và nhận”, bạn có thể có nhiều kinh nghiệm tình trường hơn tôi, nhưng cả bạn và tôi không thể không biết rằng, khi yêu, khi xác định được mẫu đối tượng bạn ưa thích, bạn cần phải công khai tìm hiểu và hẹn hò. Công cuộc hẹn hò đối phương không phải bao giờ cũng dễ dàng. Nhưng chính những gian nan thách thức mà không kém phần thú vị đó mới làm bạn nhận ra, nửa kia có thực sự làm bạn hạnh phúc hay không. Đây cũng chính là quá trình mà bạn phải phấn đấu để hoàn thiện bản thân sao cho xứng đáng với nửa kia mà bạn đang mong muốn theo đuổi, chinh phục. Và khi nhìn lại, cái khoảng thời gian mà cá nhân bạn đang theo đuổi hạnh phúc đó dù gian nan, nhưng chắc chắn một điều là sau đó thứ mà bạn nhận được không chỉ là tài sản “cô ấy” hay “anh ấy” mang lại,(Ngay cả khi bạn là người rất yêu tiền) mà là cảm giác thực sự thoải mái khi bên cạnh người mình yêu thương. Lựa chọn một công việc cũng thế, một khi bạn có thể hi sinh cả toàn bộ thời gian, tâm sức cho nó, bạn mới có thể tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của nhân vật Anh thanh niên – một con người vô danh, nhưng là “tượng đài” về tình yêu của anh dành cho công việc trong những trang văn đẫm chất thơ “ Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long - “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi”. 

Nhưng điều gì có thể làm cho bạn dành toàn bộ, thời gian, tâm huyết của mình cho “nửa kia” vậy? Chỉ có thể là tình yêu thôi. Xuân Diệu nói “Làm sao sống được mà không yêu, không nhớ không thương một kẻ nào” ( Bài thơ Tuổi nhỏ). Vậy thì làm sao chúng ta có thể thấy thoải mái, có thể có được cảm giác tận hưởng cuộc sống khi không trao cho công việc của mình tình yêu ấy?

3.3. Lựa chọn nghề nghiệp theo trái tim sẽ rút ngắn con đường đi đến thành công 

Triết gia Mỹ Ralph Waldo Emerson từng khuyên lớp trẻ chúng ta thế này “Đam mê tái tạo thế giới cho tuổi trẻ. Nó khiến mọi thứ trở nên sống động và đáng giá”. Trong khi tác giả “Thép đã tôi thế đấy” - Nikolai A. Ostrovsky, từng nói “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho không phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống đã hoài sống phí” để nhấn mạnh vì sự quý giá của tuổi trẻ. Mục tiêu cao cả của loài người trong những năm tháng thanh xuân chính là chinh phục từ khóa mang tên thành công. So với một người phải thử hết những công việc này đến những công việc khác để tìm ra đam mê của mình và một người đã xác định được con đường đi đến tương lai của mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì lợi thế đương nhiên thuộc về người thứ hai. Nếu ví con đường đi đến thành công của con người là một cỗ máy, thì bao giờ một cỗ mới được nạp đầy nguyên liệu, năng lượng sẽ hoạt động tốt hơn một cỗ máy mới khác nhưng phụ kiện của nó đã được tháo rời, lắp từ cái này sang cái kia nhiều lần. Hiệu suất của một cỗ máy được đo bằng thời gian tạo rao ra số sản phẩm. 

 Trên con đường sự nghiệp, dẫu là chúng ta đã xác định rằng, không ai có thể tránh khỏi những chông gai, những thách thức, nhưng thực tế, chả ai muốn phải kéo dài lê thê thời gian chạm đến giấc mơ mang tên thành công cả, đúng không? Giá trị của những lựa chọn nghề nghiệp theo trái tim là ở đó.

Một vận động viên điền kinh hay bơi lội xác định giải cao hay thấp dựa vào thời gian mà họ xác lập trên những đường đua. Ranh giới giữa sự sống và cái chết của một bệnh nhân trong phòng cấp cứu có thể chỉ đo bằng đơn vị giây. Sức mạnh của thời gian còn được ví với vàng và ngọc và khi tuổi trẻ chúng ta là giới hạn. Vậy nên, việc rút ngắn thời gian để đi đến thành công với một con người là điều cần thiết lắm chứ.  Adam Khoo - tác giả cuốn bí kíp thành công “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!” trở thành triệu phú trẻ nhất Singapore khi chỉ mới 26 tuổi có làm bạn thần tượng hơn một người bằng tuổi anh ấy nhưng mãi hơn 10 năm sau mới đạt được thành quả như vậy? Quay lại với hai nội dung đã phân tích, chúng ta chỉ có thể dành toàn bộ tâm huyết cho một công việc gì đó cho những gì ta thực sự yêu đúng không? Xu hướng thành công sớm trong sự nghiệp chỉ đến với những ai có thể trao gửi đam mê vào những gì mình làm. 

Hiểu được điều này, bạn sẽ có thể định nghĩa được giá trị thu lại được từ những người dành cả thanh xuân để gắn bó với công việc yêu thích so với một người phải “nhảy “từ việc này sang việc kia nó lớn đến thế nào.  Vì vậy, nếu có thể, hãy lắng nghe nhịp đập của trái tim khi lựa chọn nghề. Bởi vì, quyết định đó sẽ cắt bớt thời gian bạn phí phạm, loay hoay làm những công việc khác mà mình không thích, thiếu năng lượng và tâm huyết, chịu đựng sự nhàm chán chỉ để giải quyết những nhu cầu của cuộc sống. Nghe theo con tim trong khả năng của chính mình có thể là chìa khóa để bạn sớm chạm đến giấc mơ thành công đúng nghĩa mà bạn luôn mong muốn. Đến “Ông Hoàng thơ tình” còn phải “ Vội vàng” khi cảm nhận về sự hữu hạn của thời gian khi yêu “Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ, Em em ơi, tình non sắp già rồi” (“Giục giã” - Xuân Diệu) thì lý do gì mà lớp trẻ chúng ta – Những con người đang dạt dào sức xuân lại lãng phí thời gian để mê mải kiếm tìm và gắn bó với những công việc mà mình không thực sự đam mê?

4. Khi nào thì con đường sự nghiệp của bạn nên để “lý trí nắm dây cương”?

Hẳn là khi đọc đến những dòng tôi đã viết trên đây về những lý do cho việc lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê, trong lồng ngực bạn đã hừng hực ngọn lửa để đánh đổi hàng tá những quyết định của bản thân cho lựa chọn nghề nghiệp của theo con tim rồi chứ? Và có thể khi chuyển sang những dòng tôi đang viết, bạn lại nghi ngờ và đặt ra câu hỏi “có nên tiếp tục đọc những lý do sau đây hay không” bởi vì biết đâu…quyết định nghe theo đam mê của bạn sẽ sớm “đầu hàng” bởi những phân tích dưới đây về lợi ích ở khía cạnh hoàn toàn đối lập? Nếu đang bị bủa vây bởi những ý nghĩ đó thì …dừng lại một chút… và hãy tiếp tục đọc để rõ hơn nguyên nhân mà tôi có ý định “định hướng” suy nghĩ của các bạn ở mặt còn lại. Bởi vì, lần nữa, chỉ khi nào bạn thấu hiểu hết những mặt lợi, mặt không tốt ở hai vấn đề đối lập thì khi ấy quyết định chúng ta đưa ra mới thật sự thuyết phục ít nhất là với bản thân chúng ta. 

Một cụm từ được thầy giáo dạy tiếng Anh của tôi luôn sử dụng để nhắc nhở học trò trước khi đưa  ra mọi quyết định đó là “a two - edged sword” hay “a double - edged sword”. Cụm từ khi được dịch sang tiếng Việt mình có nghĩa tương tự với bất kỳ một thứ gì cũng đều có tính hai mặt, có mặt lợi và mặt hai. Và quyết định định hướng con đường phát triển nghề nghiệp chúng ta không nằm ngoài quy luật đó. Khi tôi đưa ra những lý lẽ để chỉ ra khi nào thì con đường nghề nghiệp của chúng ta nên để “lý trí nắm dây cương” thì thực chất chỉ là đang muốn làm rõ những điểm yếu của việc nghe theo đam mê một cách mù quáng mà thôi. Đừng vội hoang mang và hãy tiếp tục đọc những dòng tiếp theo nếu như bạn thực sự không muốn nhận diện sai đam mê và phải trả giá bằng con đường mãi không chạm đích. 

4.1. “Hãy theo đuổi đam mê” – Hãy cẩn thận, đó có thể là lời nói dối” 

Cựu tổng thống Mỹ Benjamin Franklin từng nhận nhận định thế này “Một nửa sự thật là lời nói dối khủng khiếp nhất”. Nếu một ai đó, bảo bạn hãy theo đuổi đam mê thôi mà không ghi chú gì cho bạn rằng chính đam mê – thứ mà bạn luôn tôn thờ, thứ được xem là kim chỉ nam của bạn có thể nói dối bạn. Nói dối sao? Chả phải tôi đã phân tích ở ý trên là chỉ khi nghe theo con tim thì bạn mới không sợ bị lạc đường đặc biệt khi đưa ra những quyết định về sự nghiệp hay sao? Bình tĩnh nào… Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng, tôi ủng hộ hết mình những lựa chọn nghề nghiệp của bạn khi bạn dùng trái tim chỉ đường. Và tôi không hề thay đổi ý nghĩ rằng chỉ khi để đặt con tim vào bất kì một điều gì thì mới có thể cho ra những điều tốt đẹp như nhà thơ Pháp Muýt-xê từng nhận định “Hãy đập vào tim anh, thiên tài là ở đó”. Nhưng lời “nói dối” mà tôi đang muốn đề cập đến không phải là thứ đam mê ấy, không phải là những định hướng và bạn xác định nghề nghiệp từ ban đầu và quyết tâm theo đuổi đến cùng mà là chất men say có vị na ná đam mê nhưng thực chất bên trong đấy chỉ là sở thích nhất thời. 

Bạn có nhận ra rằng số lượng những thứ chúng ta muốn khao khát có được đều có xu hướng giảm dần trong theo thời gian? Ngày còn thơ bé, bạn có từng nhìn lên bầu trời và ước rằng một ngày nào đó sẽ bay cao, bay xa để chạm tay vào các vì sao? Có khi nào bạn thấy bạn bè của mình có chiếc cặp mới mà về nhà đòi bằng được để bố mẹ mua cho một cái như thế, nếu không sẽ không đến lớp? Thực tế, đó chỉ là những sở thích, những ước muốn nhất thời và có thể chỉ phù hợp với một số người bởi vì “Only one thing in life is certain, that is nothing is certain” (Có một điều duy nhất chắc chắn trong cuộc đời chính là, không có gì là chắc chắn cả). Chúng ta vẫn tin là chỉ đặt ra những mục tiêu để hoàn thành và mê mải, nỗ lực hết sức để chạy theo mục tiêu ấy. Nhưng bên cạnh số ít những người thành công, bạn có đặt ra câu hỏi cho số đông người còn lại vì sao họ thất bại?

 Để minh chứng cho việc theo đuổi nghề nghiệp theo trái tim, người ta hay lấy những minh chứng là những vị tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg- Những người đã từ bỏ việc lựa chọn con đường học tập tại ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới Harvard chỉ để “nghe theo tiếng gọi trái tim”. Họ đã bỏ học và tự lập nghiệp. Và dĩ nhiên…họ đã thành công. Nhưng một điều mà ít người từng đề cập đến là tỷ lệ thành công như những người hùng ấy trên thế giới này chỉ chiếm tỷ lệ 0.01% mà thôi. Tôi hoàn toàn tin tưởng bạn sẽ thành công khi đi theo tiếng gọi trái tim nếu khả năng của bạn và những điều kiện xung quanh: Gia đình, tài chính không cần như Bill Gates hay Zuckerberg nhưng nó đủ để cho phép bạn đi theo một quyết định có tính khả thi chứ không phải là những dự định mơ hồ trong đầu hay trên mặt giấy. Nhưng nếu không được vậy thì sao? 

 Có lẽ, vì quá ái mộ những nhân vật đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp đó mà chúng ta quên mất rằng, những gì mà chúng ta theo dõi chỉ là cái bề nổi trong một câu chuyện về con đường sự nghiệp. Bên cạnh những thành công rực rỡ làm nên các tên tuổi thì ít ai để ý đến những trường hợp thất bại cũng chung một lý do là mê mải chạy theo thứ mà người đời vẫn gọi là đam mê. Nếu bạn đã đi làm ở đâu đâu đó, bạn đã rơi vào tình cảnh dành hết cả những ngày nghỉ cuối tuần để cố gắng hoàn thành công việc trong khi một vài người khác đang đi chơi, nhưng kết quả nhận được lại không như bạn mong đợi? Nói ra thì bạn lại thấy buồn cười, công việc bán thời gian đầu tiên trong đời của tôi không phải là viết lách mà là nhân viên chăm sóc khách hàng trong công ty chuyên về du học Nhật Bản bởi vì tôi khá tự tin về khả năng ăn nói, cũng như thuyết phục và mang lại cho họ cảm giác thoải mái. Tôi cứ nghĩ là sau những lần chia sẻ hồ hỏi, thoải mái, vui vẻ với những khách hàng trạc tuổi tôi, họ sẽ đồng ý để tham gia chương trình của công ty và dĩ nhiên là tôi sẽ có kiếm được nhiều tiền từ đó. Bạn không thể tưởng tượng ra là trong thời điểm chỉ là nhân viên bán thời gian, tôi vẫn cố gắng đến công ty để làm việc trong những ngày nghỉ, bỏ tiền túi ra để gọi điện và chăm sóc họ. Và bạn biết kết quả là gì không… trong suốt cả tháng đó, tôi không thể hoàn thành được chỉ tiêu đặt ra vì không một ai đồng ý tham gia đơn du học của công ty. Mặc dù mọi người đến cả sếp tôi chưa bao giờ nghi ngờ về năng lực của tôi. Lần đó, tôi thấy rất xấu hổ và chỉ “đổ lỗi” cho mình là chưa nỗ lực hết sức. Nhưng tháng sau đó, tình trạng không khả quan hơn là mấy và tôi đi đến quyết định nghỉ việc. Sau này tôi mới nhận ra rằng… tôi không hề “có duyên” với công việc đó chút nào. 

Nhưng thực tế, cuộc sống này không phải chỉ có tôi là một ví dụ điển hình. Có những người may mắn có được đam mê nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường và đặt ra những mục tiêu theo đuổi nó, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải dành cả cuộc đời chỉ để định nghĩa thành công, để đi tìm thứ “con tim mình mách bảo” thực chất là gì hay có phù hợp với họ hay không. Lý do đơn giản thôi. Họ đã nhận diện sai đam mê. Nói thẳng ra là con tim họ đã bị đánh lừa bởi những thứ gắn mác đam mê. Tình yêu chỉ có một, còn những cảm xúc na ná tình yêu thì rất nhiều. Những quyết định “chọn con tim” trong câu chuyện nghề nghiệp cũng tương tự như thế.

Tuổi trẻ chúng ta vẫn thường nhầm lẫn giữa sở thích và đam mê, giữa thứ người khác ưa chuộng và những thứ chúng ta thật sự khao khát có được. Nhìn thì có vẻ giống, nhưng giữa hai khái niệm này là một đại dương khoảng cách. Có thể không phải gọi là quyết định bồng bột đâu, nhưng chính sự chưa đầy đủ chín chắn những năm tháng tuổi trẻ có thể là vật cản đường khi chúng ta đưa ra được một định nghĩa đầy đủ về đam mê để lựa chọn nghề nghiệp cho nó đúng đắn. Đây là lý do vì sao mà Jack Ma vẫn khuyên người trẻ rằng “25 tuổi, bạn đừng lo. Mọi sai lầm đều là tài sản. Mọi sai lầm đều là tài sản, đều là bài học quý báu cho các bạn” thế nhưng, ông cũng nhấn mạnh là “Nếu 35 tuổi không thể tìm được đam mê thì đó là lỗi của bạn”.

 Trở lại ví dụ tôi đã dẫn “Chọn nghề như chọn bạn đời”. Ai cũng muốn mình tìm được một người bạn đời hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên, nhưng bạn thấy đấy, trong cuộc sống chúng ta không phải ai cũng nên đôi ngay trong mối tình đầu. Và lựa chọn nghề chọn “con tim” cũng thế. Chưa chắc nghề mà đích thị trái tim bạn lựa chọn đầu tiên là công việc có thể gắn bó với bạn suốt đời. Nếu như mọi quyết định trên cuộc đời này đều đạt được kết quả là thành công nhờ đam mê, nhờ tình yêu, nhờ tâm huyết, nhờ nỗ lực ngay trong lần đầu tiên thì chả bao giờ để con tim yêu trong Hàn Mặc Tử phải cay đắng thốt lên vì tình yêu không trọn vẹn thế này:

 “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói,

Gió trăng có sẵn làm sao ăn, 

Làm sao giết được người trong mộng

Để trả thù duyên kiếp phũ phàng” (Lang thang)

Đam mê không bao giờ đánh lừa chúng ta, nhưng chính bản thân chúng ta lại dễ nhầm lẫn bởi những giá trị mà những quyết định con tim mang lại hay những khái niệm giữa những thứ na ná đam mê và rồi vội vàng đồng ý đánh đổi cả thanh xuân chỉ để dõi theo những thứ “na ná” đam mê đó. Điều này thực sự lãng phí. Bởi vì, những thứ được gọi là sở thích thường dễ đến và dễ đi, như những cơn mưa rào mùa hạ vậy. Nó có thể cực kỳ mãnh liệt trong một giai đoạn nào đó nhưng rồi qua thời điểm đó, nó mờ nhạt dần. Còn đam mê thực sự là những thứ có thể mang lại hiệu quả, bạn có thể gắn bó lâu dài với nó. Và tôi tin rằng, không ai trong chúng ta lại muốn có những tháng năm thanh xuân vô ích chỉ vì đặt trái tim của mình cho một nghề, một công việc đội lốt đam mê nhưng kỳ thực chỉ là sở thích nhất thời. Bạn hiểu ý tôi rồi chứ?

 Nếu như ngay bây giờ đang ngồi trên giảng đường đại học, trong đầu của bạn nảy ra ý tưởng bỏ học tựa cha đẻ Facebook hay những tỷ phú Harvard khác để thực hiện thứ gọi là “đam mê nghề nghiệp” theo cách nghĩ của bạn thì hãy cân nhắc thật kỹ rằng, đó có có phải là sự nói dối từ phía con tim trẻ đang bồng bột của bạn hay một quyết định được cân nhắc kỹ càng bởi các điều kiện khác ở thực tế.

4.2. Hãy nghe lý trí ở vài trường hợp, đừng cố chấp! Vì bạn có thể đánh mất những cơ hội dành cho mình

“Ai rồi cũng khác”, tôi nhận ra câu nói ấy, đúng trong nhiều trường hợp.  Một con sâu muốn trở thành một cánh bướm xinh đẹp không thể mang theo lớp kén cũ kĩ, xấu xí quá 16 ngày. Tương tự với con người thôi, chúng ta - những người trẻ tuổi luôn luôn thay đổi trên những bước đường trưởng thành về cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Một câu sinh viên đại học không thể sống mãi trong bộ quần áo đồng phục ngày còn tiểu học. Nhìn vào gương, bạn dễ nhận thấy điều mà không cần ai nhắc nhở.

Nhưng điều đặc biệt là, sự thay đổi đó không chỉ dừng lại ở những đặc điểm sinh học mà còn còn ở cảm xúc và tâm trí. Sẽ đến một thời điểm bạn nhận ra rằng những ban nhạc, những ngôi sao điện ảnh từng làm tim bạn loạn nhịp ngày nào trở nên thiếu sức hút. Những bộ phim bạn dành cả tháng chỉ để cày đi cày lại view trở nên “nhạt”, bình thường, thậm chí tầm thường đến độ bạn không thể nhận ra. Bạn đừng cười nhé, nhưng tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện của chính tôi và đứa bạn thân khi chúng tôi đang còn là sinh viên năm nhất đại học. Ngày ấy, tôi cực kỳ thần tượng ca sỹ Chi Dân trong khi bạn tôi lại là “sky” (Fan của Sơn Tùng MTP). Chúng tôi, đã “treo mỏ” hai tuần, không nói với nhau câu nào chỉ vì đứa này chê thần tượng của đứa kia là hát... chẳng ra gì. Và bây giờ… chúng tôi lấy nó ra làm chủ đề để cười phá lên trong những buổi ôn lại chuyện cũ vì “độ hài hước” của những thứ mà chúng tôi từng tôn thờ đến mất ăn, mất ngủ. Bạn thấy đấy, khi chúng ta trưởng thành rồi, chúng ta mới nhận ra rằng, không cái gì là vĩnh cữu cả. Ngay cả thứ mà chúng ta thật sự khao khát trong một thời điểm ở quá khứ. 

Những lựa chọn theo con tim trên hành trình sự nghiệp của bạn sẽ không có gì lạ nếu một ngày bỗng trở nên “bạc màu”, “sờn mốc”, thậm chí là kỳ dị mỗi lần chúng ta nhìn lại. Nếu như nói tìm kiếm một công việc theo đam mê như chinh phục một cô gái thì chắc chắn rằng hiếm người có thể kết luận được mối tình của họ sẽ kéo dài trong bao lâu. (Dù trong những bộ phim tình cảm hay tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đang hằng mê mẩn nhiều bạn trẻ với những tựa đề kiểu như “Bên nhau trọn đời” hay “Yêu em từ cái nhìn đầu tiên”- Cố Mạn). Nếu mọi thứ kể cả công việc và tình yêu cũng đều vĩnh cửu thì chắc chắn chả có thêm những những người phải nhảy việc, cũng như vụ ly hôn hay chia tay đau khổ hiện tại đang xảy ra. Cảm xúc của chúng ta luôn thay đổi và thay đổi ngay với những công việc từng đặt mục tiêu để phấn đấu. 

Làm việc với đam mê là một loại hạnh phúc cực kỳ đặc biệt đến mức người Tây Ban Nha vẫn thường tâm niệm rằng “Mọi công việc thành đạt được đều nhờ sự kiên trì và lòng say mê” hay câu khẩu hiệu mà mọi người vẫn nói để động viên nhau “Ai muốn tỏa sáng thì phải cháy lên”. Thế nhưng, nếu đam mê gắn liền với nghề nghiệp và sự nghiệp - nguồn sống của con người thì phải thật sự tỉnh táo khi khởi hành cùng thứ cảm xúc đó. Tôi nhấn mạnh điều này không chỉ bởi, tuổi trẻ chúng ta hay bị lừa bởi những thứ có “mùi vị” gần giống như đam mê mà còn bởi cảm xúc là cô nàng có tính cách cực kỳ thất thường. Trong quyết định chọn nghề, thôi việc… nếu chỉ được lựa chọn bằng cảm xúc thôi thì bạn rất dễ lệch hướng. Lý do là vì, không ai có thể đoán định được thách thức có thể xảy ra và liệu khả năng của bạn có đủ mạnh để chiến thắng những thách thức đó hay không. Quyết định đi tiếp với công việc hiện tại hay đổi hướng theo tiếng gọi của trái tim là đúng hay sai.

Sẽ thật vô ích nếu bạn đặt con tim vào công việc vượt quá khả năng hay có quá ít cơ hội để biến ước mơ, khao khát của bạn trở thành sự thật. Ông bà ta vẫn bảo “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” thế nhưng, nếu xem xét những tin tuyển dụng, bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người không thể trở thành một nữ tiếp viên hàng không nếu như chiều cao, đúng ra là ngoại hình của họ không đủ “ưa nhìn” hay khả năng ngoại ngữ của họ không đủ tốt để lọt qua vòng phỏng vấn. Bạn cũng chẳng thể nào thực hiện ước mơ trở thành một nhà báo chính hiệu được nếu như vừa nhảy lên xe ô tô, di chuyển được một quãng đã thấy choáng váng hay vừa gặp phỏng vấn vài người đã thấy ngại ngùng. Nhiều người cứ nghĩ, qua tuổi 30 tuổi, nhất định chúng ta phải có một cái gì đó to lớn và hơn người như: Một gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thăng hoa, có nhà, có xe… nhưng họ không biết rằng, thất nghiệp ở tuổi 35 đang là câu chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” được đài báo, các trang tin đưa đi đưa lại những năm năm gần đây. Dẫu biết rằng, con tim bạn sẽ cảm thấy cực kỳ đau đớn, thất vọng nếu như không thể hoàn thành được mục tiêu cuộc đời, không thể có được công việc như ý, không thể kiếm được số tiền như hằng mong ước. Thế nhưng nhiều trường hợp, chúng ta phải và nên chấp nhận những đau đớn đó để có hướng thay đổi chính xác cho cuộc đời của mình. Sẽ đến lúc ta nhận ra là nên từ bỏ một vài mục tiêu mà một thời chúng ta đã mải mê chạy theo tiếng gọi của đam mê như : mục tiêu sở hữu nhà riêng trước 30 tuổi, làm leader trong một công ty lớn nếu như kinh nghiệm của bạn tích lũy chưa đủ và những nguồn tiền để lên kế hoạch cho những dự án đó vẫn xoay quanh ví tiền của bố mẹ hay bạn bè. 

Khi chúng ta đủ trưởng thành và nhận ra muôn màu của cuộc sống thì cũng là lúc mà mỗi người sẽ phải định lại mũi tên chỉ đường của mình. Nếu như ngày trước , khi chúng ta đang lạc lối giữa muôn ngàn quyết định chọn ngành học, trường đại học để theo đuổi khi rời cổng trường THPT, những câu hỏi được xác định như kim chỉ nam cuộc đời như “Điều tôi thích là gì”, “ Chúng ta thật sự đam mê cái gì”, “ Chúng ta có thể nỗ lực hết mình để làm gì mà không thấy nhàm chán” thì ngay bây giờ, chúng ta nên điền thêm vào bảng chỉ đường của mình những mũi tên mới. Đó cũng là loạt những câu hỏi thiên về “lý trí”, bạn phải dùng khối óc của mình để suy nghĩ và cân nhắc kỹ càng như: “Điều gì chúng ta giỏi” và “Ngành gì xã hội đang cần” và “Nghề gì có thể đảm bảo cho cuộc sống chúng ta với mức thu nhập phù hợp”.

Tôi sẽ thực sự mừng cho bạn, nếu như tất cả những mũi tên này trùng khít với nhau. Bởi vì, như tôi đã nhấn mạnh khi phân tích lý do bạn nên lựa chọn nghề theo trái tim, chúng ta không thể diễn tả hết được niềm hạnh phúc đi gắn bó với “người mình yêu” đến suốt cuộc đời. Thế nhưng, tỷ lệ cho điều này xảy ra không cao. Thường thì, mỗi người trong chúng ta chỉ có thể đáp ứng được một đến hai, ba yếu tố - Những câu hỏi bên trên. Đặt ra một giả thiết thế này, nếu như chỉ xác định được “đam mê của bạn là gì” mà không thể đảm bảo được “Xã hội chúng ta có cần đam mê đó hay không” thì rất nguy hiểm. Mọi người bảo, không có đam mê, không có mơ ước giống như chúng ta đi trong đêm mà không có đèn. Thế nhưng, nếu như chúng ta cứ đặt trái tim của mình vào một mục tiêu không có tính khả thi thì đó là sự mù quáng. Lại câu chuyện tình yêu. Rõ ràng, cố gắng chinh phục “hoa đã có chủ” có thể làm bạn thỏa mãn tính hiếu thắng, hay khát vọng yêu và được yêu trong thời điểm đó. Nhưng nếu bạn thật sự yêu “đóa hoa” đã có chủ kia và quyết tâm dành cả đời trai trẻ của mình chỉ để yêu đơn phương dù không được đáp lại thì chẳng phải bạn không những đang tích thêm đau khổ mà còn hoài phí thời thanh xuân của mình hay sao?

  Nhưng trong công việc, trong câu chuyện nghề nghiệp của bạn, cứ theo đuổi một ngành nghề mà đầu ra không đảm bảo còn gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm hơn nhiều. Bạn còn nhớ câu chuyện về thủ khoa đầu ra của Đại học Sư phạm Hà Nội – Người được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về nhà nuôi lợn và bán hoa quả gây rùm beng dư luận 2 năm về trước không? Ngay đến chính bản thân cô thủ khoa với đam mê nghề giáo cũng không hề nghĩ tới là tương lai của mình lại mờ mịt đến độ khó tưởng tượng như vậy. Có thể, lý do cô giáo dạy văn tương lai chưa thể có được công việc như ý là do chính sách, số lượng tuyển dụng giáo viên dạy Ngữ văn tại quê hương Hà Giang thật sự ngặt nghèo. Nhưng một lý do khác chúng ta không thể phủ nhận chính là cô gái đó thiếu linh hoạt trong câu chuyện lựa chọn nghề. Nếu chúng ta suy nghĩ ở hướng tích cực hơn, thành tích, kiến thức cô gái đó có được đang cực kỳ phù hợp với nhiều ngành mà nhiều công ty trong nước đang cần. Đâu phải chỉ tốt nghiệp thủ khoa ngữ văn là chỉ có thể trở thành cô giáo dạy văn. Cô gái ấy có thể tham gia những lớp dạy hợp đồng dưới thủ đô, có thể ứng tuyển vào các công ty truyền thông để phát huy niềm đam mê viết lách. Tại sao không? Tại sao chúng ta lại phải hạn chế cơ hội phát triển của bản thân chỉ để giữ được thứ gọi là đam mê trong khi nhu cầu tuyển dụng của xã hội thật sự rất nhỏ? 

Theo thống kê của Molisa ,quý IV năm 2018, tỷ lệ cử nhân ở Việt Nam thất nghiệp là hơn 100.000 người, trong khi đó, vẫn còn khoảng hơn 71.000 người thuộc trình độ cao đẳng chưa có việc làm. Nguyên nhân của những con số đáng báo động này được nhiều nguồn xác định là đào tạo không gắn với nhu cầu của xã hội. Nhưng cá nhân tôi thấy rằng, lý do sâu xa nhất chính là sinh viên chúng ta chưa xác định được nhu cầu tuyển dụng của xã hội đang cần gì, chỉ quan tâm đến việc theo đuổi những điều mà mình thích. Đương nhiên, thật sự quá tuyệt vời nếu đam mê của bạn trùng khớp với yêu cầu của xã hội. Thế nhưng, “đời không như mơ”. Thực tế, chúng ta phải chấp nhận rằng, đam mê, khát khao có to lớn thế nào cũng phải gắn với điều kiện thực tế. Bạn không thể nuôi sống chính bản thân và những người thân yêu chỉ với đam mê cho một nghề nghiệp không có đầu ra đâu. Nếu đang sắp sửa bước vào cánh cổng trường đại học, hãy tưởng tượng ra một “hồi ký ngoại truyện” về những tình huống mà biết đâu bạn có thể gặp trong tương lai để định hướng bản thân.

Đam mê là một thứ rất quan trọng, nhưng đừng quá cố chấp, vì nếu chỉ bấu víu vào đam mê và bỏ qua những yếu tố còn lại thì có thể bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm, trải nghiệm mới cho bản thân. Giữa hai quyết định làm trái nghề và thất nghiệp, bạn chọn bên nào? Tin tôi đi, chỉ khi nào, bạn rơi vào tình huống 22 tuổi rời cánh cổng đại học, không có mối quan hệ xung quanh, cánh cửa tìm việc cho chuyên ngành đào tạo của mình trong trường đại học cực kỳ eo hẹp thì bạn mới “thấm” được nỗi lo sợ, nỗi dằn vặt bản thân khi chỉ ngồi ở nhà đợi chờ công việc như thế nào? Huống chi, chúng ta còn trẻ, tại sao lại lãng phí những cơ hội trải nghiệm và thử, và biết đâu đam mê thật sự của bạn sẽ được khai thác trong những công việc chúng ta buộc phải làm để duy trì cuộc sống.

4.3. Trên con đường nghề nghiệp, nhiều quyết định của con tim chỉ có thể hiện thực hóa bởi lý trí

Ngạn ngữ Ấn Độ có câu thế này “Những say mê của con người có ba nguồn gốc: Tâm hồn, trí tuệ và thể xác”. Và niềm say mê cho công việc tuyệt nhiên không năm ngoài công thức trên. Cùng tham gia một trò chơi nhập vai thú vị sau đây, chắc chắn bạn sẽ phát hiện ra được điều gì đó mới mẻ trong câu ngạn ngữ của người Ấn để áp dụng vào lựa chọn con đường nghề nghiệp đúng đắn.

Thứ nhất, nếu bạn chỉ có đam mê với công việc nhưng chỉ kiếm được một mức lương trung bình thậm chí rất thấp. Bạn có bằng lòng để bám víu với đam mê ấy suốt đời không? Bạn cân nhắc rồi tự đưa ra câu trả lời cho bản thân nhé. Thứ hai, bạn làm một công việc không thực sự yêu thích, nhưng công việc ấy nằm trong khả năng của bạn và bạn có thể tạo ra được một khoản thu nhập kha khá, đủ để nuôi sống bản thân, gia đình và thực hiện một vài kế hoạch khác. Hẳn là hai câu hỏi trên cũng tốn của bạn không ít thời gian để cân nhắc, chẳng kém gì câu hỏi về “con đường nghề nghiệp: Chọn con tim hay là nghe lý trí” mà tôi đã nêu ra ở đầu bài đâu. Đúng không? Điều mà chúng ta đều biết là, nếu không có cảm xúc mà đam mê mang lại, dù kiếm được nhiều tiền, trở nên giàu có nhưng sự nhàm chán sẽ rất khó gắn bó với công việc lâu dài hay biến nó thành sự nghiệp của chính mình. Mặt khác, nếu như có bạn có thể dành cho công việc của mình sự say mê, sự quyết tâm, nỗ lực nhưng mức thù lao lao mà bạn nhận được lại không tương xứng với những điều mà bạn đã bỏ ra thì chắc chắn chúng ta cũng chẳng thể gắn bó với nó lâu dài.

Nói về câu chuyện chọn nghề nghe con tim và lý trí, các bạn còn nhớ đến tình huống của nhà văn Hộ trong tác phẩm “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao không? Chúng ta, hiện tại với sự hỗ trợ đắc lực của gia đình, người thân, của Internet và hàng loạt những trang web tuyển dụng việc làm, trong đó có thể kể đến như Timviec365.vn… chắc chẳng đến mức chúng ta phải rơi vào bi kịch khi phải lựa chọn giữa việc “ôm ấp giấc mộng xây dựng nên sự nghiệp văn chương bằng tài năng” và “đồng tiền khi đối mặt với cuộc sống mưu sinh” rồi sau đó tìm đến rượu để quên đi hiện tại phũ phàng đâu nhỉ? Nói vui một chút thôi, nhưng một thực trạng dễ thấy mà tôi muốn nhắc đến là đam mê của bạn phải được dung hòa bởi các yếu tố: tâm hồn, trí tuệ và thể xác.

Nếu ai đó ví đam mê của chúng ta như một cánh diều, thì chính lý trí là sợi dây nối cánh diều đó với mặt đất, với những gì mà thực tại đang diễn ra để cánh diều không bị mất phương hướng hay va vào những vật thể trong đường bay của nó. Đam mê, ước mơ, những cơ hội nghề nghiệp chúng ta xác định đều tươi đẹp. Có bạn muốn được làm bác sĩ để cứu người, có người muốn thành doanh nhân để làm giàu cho bản thân và xã hội. Có người muốn thành ca sĩ để thể hiện đam mê ca hát và làm đẹp cho đời. Tất cả đam mê đó đều đáng trân trọng nhưng thực tế thì ngược lại. Nếu bạn được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, có những mối quan hệ để đảm bảo một cho bạn một vị trí tương xứng, bạn sẽ có rất nhiều sự lựa chọn. Bạn cũng có thể có nhiều cơ hội hơn để làm lại từ đầu nếu chả may đam mê của bạn đặt không đúng hướng. Ngay cả khi, bạn thật sự thất bại và muốn thay đổi con đường khác thì cơ hội sửa sai cũng rất rộng mở.

Nhiều start -up thành công thường nói nhiều đến thành công bằng cách nói nhiều đến nỗ lực của bản thân hay cách mà đam mê dẫn lối họ như thế nào mà ít khi đề cập những mối quan hệ họ đã có, sự hỗ trợ về gia đình về tài chính hay những khoản khác. Điều đó, cũng ảnh hưởng ít nhiều khi ta dựa vào những hào quang hào nhoáng trên màn ảnh để nghe theo quyết định chọn nghề chỉ nghe theo con tim. Nhiều người cũng nói rằng “tiền không quan trọng” hay “không phải cái gì cũng mua được bằng tiền” rồi “Tiền không thể mua được đam mê”. Nhưng bạn hãy trả lời giúp tôi câu hỏi rằng: Trong bối cảnh kinh tế xã phát triển như hiện nay, sống giữa thủ đô Hà Nội, hay những trung tâm kinh tế sầm uất như Hồ Chí Minh bạn có tự tin khi ra ngoài mà không mang theo một chút tiền nào? 

Trong cuộc sống của chúng ta, không hiếm những trường hợp dành tất thảy những tháng năm thanh xuân để nghe theo quyết định lựa chọn nghe nghe theo con tim 100% bởi vì chúng ta đều cho rằng “tuổi trẻ là một đi không trở lại”. Nhưng liệu những quyết định lựa chọn nghề nghiệp tương lai của bạn còn phó mặt cho chỉ mình con tim khi thực tế bạn đang phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề “cơm áo, gạo, tiền”. Đặc biệt, khi bạn đã có gia đình thì việc đưa ra những quyết định về nghỉ việc, chuyển việc… lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Bạn sẽ chẳng thể nào bình chân như vại để hoàn thành kế hoạch như con tim đã dự định nếu như chủ nhà trọ vẫn gõ cửa vì đến ngày phải nộp tiền nhà hay phải vào chăm sóc thành viên trong gia đình bị ốm trong bệnh viện. Bạn yêu công việc tư vấn bất động sản, muốn gặp gỡ khách hàng và muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này… nhưng bạn có thể chấp nhận đánh đổi vài tháng đầu không có lương không? 

Nếu đã đọc bài của Lại Trang ở đâu đó, chắc bạn nhận ra tấm gương đã biến giấc mơ “chạm tay đến các vì sao” của cha đẻ tàu con thoi - Xioncopxki ngày còn trẻ thành sự thật. Tinh thần nỗ lực và giấc mơ của ông rất đáng ngưỡng mộ. Nhưng bạn biết mà, không phải ai cũng có thể làm được như Xioncopxki khi điều kiện tài chính không cho phép. Ai đó đã nói rằng, “Sức sáng tạo của con người là vô hạn”, nhưng con người chúng ta không thể sáng tạo nổi nếu như thiếu năng lượng, thiếu vật chất để nuôi dưỡng cơ thể. Các nghiên cứu sinh học đã chỉ ra rằng, một người khỏe mạnh bình thường có thể nhịn ăn tối đa trong vòng 8-21 ngày (Theo Archiv Fur Kriminologie), nhịn khát tối đa 3-7 ngày (Theo GS. Randall K. Packer, Đại học George Washington) và nhịn thở tối đa trong vòng 3-5 phút. Nhưng bản thân bạn biết là chúng ta không thể chỉ hít thở không khí hay chỉ uống nước rồi nuôi dưỡng đam mê để làm việc được. Chúng ta chỉ có thể làm việc hiệu quả nếu như phần thể xác của chúng ta thấy thoải mái và trí tuệ chúng ta thấy minh mẫn.

Bạn cứ nghĩ đi, cứ cho là tâm hồn của bạn, trái tim của bạn thấy thực sự hồ hởi, dạt dào năng lượng để bắt tay ngay vào công việc trong khi những yếu tố về mặt thể chất, về suy nghĩ không thật sự  đủ tốt thì bạn cũng không thể kéo dài được thời gian làm việc và sẽ sớm cảm thấy mệt thôi. Ngày còn đi học, đã có nhiều buổi sáng, tôi tỉnh dậy mà không biết suy nghĩ buổi trưa ăn gì, buổi chiều mấy giờ sẽ ra công viên tập chạy hay nên mang gì đi học ăn để không bị đói bụng. Nhiều ngày chủ nhật lười biếng trong siêu thị chỉ để nghĩ nên mua gì, chuẩn bị những gì cho tuần mới đầy năng lượng.

Thế nhưng, khi đi làm rồi, bắt tay vào công việc thực tế rồi, có vẻ như chúng ta không còn quá nhiều sự lựa chọn cho việc đi đâu, chơi gì nữa. Dĩ nhiên, tôi không nói tất cả các công việc bạn lựa chọn đều như thế. Nhưng chúng ta dành phần lớn thời gian cho công việc, cho những ngày đến văn phòng từ 8 giờ sáng đến 5, 6 giờ chiều mà nhiều khi vẫn chưa hoàn thành công việc hoặc cũng có thể là những chuyến công tác xa nhà vài ngày, những đống tài liệu phải giải quyết đến tận đêm khuya. Công nhận là khi làm việc chúng ta phải dành 100% trái tim cho công việc. Thế nhưng, liệu là trái tim của bạn có còn 100% năng lượng để duy trì sự năng động đó nếu như hằng ngày thay vì bổ sung cho nó “vitamin yêu” là những bữa tối đúng giờ, những khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý mà bởi những bữa tối qua loa khi thì mỳ gói khi thì ăn uống lúc 9,10 giờ đêm và những căng thẳng, áp lực, nỗi lo tiền phạt, gánh nặng gia đình? Dù là công việc bạn có yêu thích có đam mê đi chăng nữa thì các yếu tố thực tế luôn là những trở ngại. Và điều quan trọng hơn là, chúng ta không thể xác định được chính xác khả năng chịu đựng những áp lực từ đời sống hay công việc ghì lên bản thân cụ thể như thế nào nếu như bạn chưa thử làm. Và để có thể thấy rõ được điều đó, chúng ta phải ấn định là buổi sáng dậy lúc mấy giờ, lập bảng kế hoạch công việc của mình ra sao? Tất cả những dự định, kế hoạch để bạn theo đuổi đam mê nghề nghiệp thực chất được quyết định bởi lý trí, chứ không đơn thuần là con tim nữa rồi. 

Ngược lại, cũng có nhiều bạn trẻ mê mải chạy theo những giá trị của tiền bạc mà bỏ qua sức khỏe, tinh thần. Và đương nhiên, kết quả mà các bạn ấy nhận lại cũng tệ không kém. Bạn biết rằng, mục đích lớn nhất của loài người khi cho “trình làng” kinh doanh, thứ mà Marx vẫn phê phán là “Bóc lột giá trị thặng dư” ấy thực chất là quá trình tạo ra tiền, tạo ra thu nhập. Tiền không ghê gớm, nhưng sức cám dỗ mà người muốn sở hữu thực sự ghê gớm. Người ta vẫn chạy theo tiền có thể bởi nhiều lý do. Một phần do đam mê công việc, phần do gánh nặng gia đình, do trách nhiệm của bản thân. Nhưng suy cho cùng, từ quyết định làm việc để kiếm tiền ấy không thể nào là chỉ được đưa ra bởi “con tim mách bảo” được mà dựa trên những suy nghĩ, cân nhắc, trăn trở dựa trên những điều kiện thực tế.

Tôi thực sự ngưỡng mộ những người sống vì đam mê để theo đuổi sự nghiệp và vui mừng vì các bạn ấy đã chọn được đúng việc làm mà các bạn yêu thích, được phát huy năng lực tối đa vừa làm, vừa cống hiến vừa tự cảm thấy thoải mái. Nhưng còn số khác thì sao? Công việc là thực tế chúng ta phải làm, con người không thể sống mà không có việc làm. Nhưng liệu rằng, chúng ta có thể sống và làm việc nếu chỉ để con tim quyết định và không gắn đam mê đó vào những điều kiện thực tế mà bản thân đang có không? Bạn đã nghe đến những câu chuyện phải dừng lại công việc theo đam mê chỉ vì không thể chịu nổi áp lực từ công việc, từ sếp và đồng nghiệp? Ban đã nghe đến câu chuyện nhiều người nhảy việc cũng chỉ vì mức lương không đủ trang trải cuộc sống của họ nơi đô thị phần hoa đắt đỏ? Trong những trường hợp này, tôi ủng hộ quan điểm của Benjamin Franklin “Nếu đam mê chở bạn, hãy để lý trí cầm cương”.

5. Cách lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai hiệu quả, bạn đã biết?

Tuy đã nói ban đầu là chỉ đưa ra những lý do và những trường hợp cụ thể, trong con đường nghề nghiệp của bạn khi nào cần phải nghe con tim, khi nào phải nghe theo lý trí, thế nhưng trong những phân tích, tôi đã chỉ ra không ít những bí kíp mà bạn có thể ứng dụng nếu đang bị mắc kẹt trong quyết định con tim và lý trí, bên nào nặng hơn rồi đấy. Chỉ có điều, bạn để ý hay không thôi. Nếu cảm thấy, vẫn hơi mơ hồ về định hướng nghề nghiệp thì theo dõi những phương án sau đây nhé. Những phương pháp mà tôi tạm gọi là cẩm nang tìm việc cho tương lai. Và tôi tin chắc rằng, khi đọc từng trang, đề mục trong cuốn cẩm nang ấy, bạn sẽ không phải chịu đựng cái cảm giác “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước, chọn một dòng hay để nước trôi” (Tố Hữu – Lời Tổ quốc) nữa đâu. Để xem những nhà khoa học Mỹ khuyên chúng ta cách lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn như thế nào nhé.

5.1. Bạn đam mê gì?

Cho đến thời điểm này, ngay cả sau phân tích rằng, lý trí có tác động mạnh đến những quyết định nghề nghiệp theo trái tim thì tôi chưa bao giờ phủ nhận tính đúng đắn của đam mê trong câu chuyện chọn nghề. Trước hết, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn phải thực sự hiểu bản thân mình thực sự đam mê cái gì, ngành gì, công việc nào có thể mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, vui vẻ. Dù đã nói quá nhiều về giá trị của đam mê song tôi muốn nhắc lại lần nữa rằng, chỉ khi được gắn bó với những gì thật sự yêu thích thì con người mới có thể sống hết mình  với công việc và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, áp lực, thách thức chông gai mà trong hành trình gắn bó với công việc bạn đang và sẽ trải qua được. 

Nhưng lưu ý là chỉ xác định đam mê của bản thân bạn, không phải là sở thích ngày một, ngày hai và đặc biệt là tính khả thi khi bạn hiện thực hóa đam mê của đó. Điều này sẽ xác định rõ khi bạn dành thời gian thực tế để thẩm định nó. Nếu đang còn là học sinh trung học phổ thông, hãy nghe các chuyên gia trong ngày nói về nghề của bạn, nghe những chia sẻ của họ về nghề mà bạn muốn theo đuổi trong tương lai, những kỹ năng thực tế bạn cần phải có. Nếu đang học đại học rồi, thay vì chỉ đọc sách, hãy tham gia những khóa thực tập ngắn hạn, những công việc làm thêm liên quan đến chuyên ngành mà bạn theo học. Nếu như những trải nghiệm đầu đời mang lại cho bạn cảm giác thích thú, thoải mái thì tuyệt. Ở thế ngược lại, nếu như trong những khoảnh khắc nào đó, bạn nhận thấy, bạn không còn hào hứng những buổi đi làm, không thể cố gắng để hoàn thành công việc đến cuối ngày và dễ dàng sao nhãng nội dung công việc chỉ vì vài tin nhắn Zalo hay Facebook thì nên cân nhắc. Bởi vì, có thể bạn đam xác định nhầm đam mê.

5.2. Đâu là thế mạnh của bản thân?

Một thực tế đang đặt ra với nhiều bạn trẻ hiện nay là chưa thể biết chính xác được mình có thể làm được gì? Nhưng nói đúng ra, chưa xác định được trong tầm năng lực, khả năng của mình có thể làm được gì để thỏa mãn yêu cầu của bản thân. Có thể, thứ gọi là đam mê hay sở thích trong bạn còn khá mờ nhạt hoặc bị “bão hòa” ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong trường hợp đó, giải pháp tối ưu nhất là hãy đặt ra câu hỏi cho bản thân xem là sở trường của mình thực sự phù hợp với những công việc gì. Điều gì làm bạn cảm thấy tự tin nhất khi tự chia sẻ nó với một chuyên gia định hướng việc làm cho bạn. Chưa hết, các bạn cần lên Google gõ những phẩm chất đó ra xem nó phù hợp với yêu cầu của những công việc gì và điều quan trọng là dùng phương án loại trừ dần.

Bạn có thể lướt qua một chút “kinh nghiệm xương máu” ngày tôi mới bước vào đại học để tham khảo. Tôi nói khá nhiều, thích giao tiếp với mọi người, ưa viết lách, thích học tiếng Anh và mê xê dịch. Điểm thi Đại học cũng khá ổn. Không phải nói quá đâu, nhưng những thứ mà tôi thích và khả năng tôi có thể làm khá đa dạng, do đó, công cuộc chọn trường và nghề cũng không kém phần vất vả. Lần thứ nhất, tôi suýt chọn Kinh tế Quốc tế để thỏa mãn suy nghĩ được nói tiếng Anh và trường tốp nhưng học phí của trường trong khối ngành này rất cao nên tôi “nghỉ chơi” vì không muốn đặt nặng lên bố mẹ áp lực tài chính. (Có thể các bạn sẽ nghĩ lý do hơi ấu trĩ). Lần thứ hai, tôi lựa chọn, hướng dẫn viên du lịch vì một nguyên nhân khá “thực dụng” đó là có thể mang lại thu nhập cao và được thỏa mãn cái đam mê xê dịch của một cô bé nông thôn mới lần đầu tiên ra thành phố. Nhưng thêm lần nữa, lựa chọn ấy không khả thi vì tôi không đủ tiêu chuẩn về ngoại hình. Còn lựa chọn cuối cùng, tôi chọn học Báo chí, vì một phần, tôi nghe mọi người vẫn bảo nhau, báo cũng đi nhiều như du lịch, cũng yêu cầu nói tiếng Anh lại được giao tiếp, bắt chuyện với mọi người, cộng với một chút khả năng về viết lách. Hơn thế, trong đầu óc non nớt của tôi thời điểm đó, Làm báo là cái gì đó rất to lớn, vĩ đại và cuối cùng tôi đi đến quyết định “dấn thân” vào ngành Báo - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Dù bốn năm học trong trường không dài, nhưng những trải nghiệm của nó là vô giá.

Quay lại câu chuyện về phương pháp lựa chọn nghề theo thế mạnh, dù bạn là một người có một đến vài sở thích và “đa di năng” đi chăng nữa thì ngành học hay nghề sau này nên là điểm mạnh nhất của bạn hoặc tổng hợp những điểm mạnh nhất của bạn. Hãy cân nhắc và đối chiếu chúng với những bảng thông tin tuyển dụng trên Internet và đưa ra quyết định đúng đắn.

5.3. Làm “bài kiểm tra năng lực”

Nghe cái tên thì có vẻ “học thuật” song phương pháp kiểm tra năng lực là cực kỳ hữu ích cho các bạn đặc biệt khi chưa xác định được đam mê hay sở trường của mình là gì. Bên cạnh những bài test tư duy như IQ hay trí tuệ cảm xúc… Một bài trắc nghiệm “Đáng đồng tiền bát gạo” là Bài Trắc nghiệm tính cách MBTI. Trong bài kiểm tra này, sẽ phân loại 16 cá tính khác nhau để hỗ trợ bạn định hình, thiên hướng công việc phù hợp với mình sau này.

5.4. “Đa di năng” bản thân

Trong biển quyết định mà con người buộc phải đưa ra mỗi ngày, đặc biệt trong quyết định trên con người nghề nghiệp, chúng ta cần phải quyết đoán khi đưa ra sự lựa chọn. Tuy nhiên, trong trường hợp, vẫn chưa thể xác định đúng phương hướng mình cần phải đi thì chúng ta cứ trải nghiệm và thử vì “cuộc đời cho phép”. Một lời khuyên luôn mà tôi đã đề cập đến rất nhiều lần trong bài, không biết các bạn có để ý hay không, đó chính là hãy “đa di năng” nhất có thể. Đừng giới hạn bạn thân mình khi hằng ngày lặp đi lặp lại những cụm từ như giáo viên, công an, nhà báo, bác sĩ... để nói đến nghề nghiệp trong tương lai. Cũng đừng quá cố chấp để chạy theo những yêu cầu riêng của nghề hay nhà tuyển dụng đặt ra hoặc bấu víu vào “lựa chọn trái tim” trước đó rồi bỏ lỡ những cơ hội nghề nghiệp. Một thông điệp mà tôi cực kỳ ưa thích đó là “Đôi khi người không chọn nghề, mà nghề chọn người”. Đối với những bạn chưa xác định được hướng đi cho nghề nghiệp tương lai của mình cụ thể, hãy mạnh dạn thử sức và khám phá bản thân qua nhiều công việc khác nhau, nhiều kỹ năng khác nhau, những môi trường làm việc khác nhau.

Trong thực tế, chỉ thực sự đã trải qua những công việc họ buộc phải làm để duy trì cuộc sống thì họ mới trả lời được câu hỏi, nghề nào là phù hợp với họ. Nhiều người nói: “Không có những cung bậc, cảm xúc mà đam mê mang lại, tuổi trẻ khác gì một hoang mạc khô cằn”. Vậy nên chúng ta cứ tự nhiên đón nhận những đặc quyền của tuổi trẻ để hoàn thiện bản thân mình hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thận trọng với cảm tính, sử dụng lý trí để lắng nghe chính mình và mọi người xung quanh, cập nhật tin tức đài, báo thường xuyên…để cắt giảm tối đa những sai lầm, hay thậm chí là tránh những nguy cơ bị lừa đảo nhé.

5.5. Lắng nghe tiếng gọi của thị trường lao động

Nhớ nhé! Một trong những nguyên tắc cơ bản để bạn đưa quyết định lựa chọn ngành, nghề chính là tính khả thi của nghề đây có cao không. Như tôi đã phân tích, dù hằng năm vẫn có hàng ngàn thí sinh dự thi các kỳ tuyển sinh đại học hay cao đẳng theo tiếng gọi của con tim, song con số khoảng 63% sinh viên thất nghiệp khi ra trường vẫn là tỷ lệ đáng làm chúng ta phải suy nghĩ. Điều đáng nói ở đây là, trong khi sinh viên ra trường không có việc làm, số lượng những doanh nghiệp, tổ chức ra đời ngày càng lớn, nhu cầu tuyển dụng nhân sự thì cao hơn bao giờ hết. Đáp án cho sự nghịch lý này chính là thí sinh chưa thực sự quan tâm đến thị trường lao động đang cần gì, nghề gì là có thể phát triển được, đầu ra cho nghề nào là eo hẹp.

Bạn là người xuất sắc, có năng lực, có đam mê công việc song điều đó sẽ chẳng là gì nếu như thị trường lao động không cần bạn. Việc cố thủ với đam mê bất biến mà không lắng nghe thị trường lao động không chỉ là bức vách ngăn cản bạn thích nghi với những môi trường mới, những kiến thức mới, cơ hội mới để làm giàu cho bản thân và xã hội còn mang lại cho bạn không ít những cảm xúc tiêu cực. Chắc chẳng ai trong chúng ta muốn bản thân lâm vào tình trạng “Tài cao phận thấp chí khí uất” (Thăm mả cũ bên đường – Tản Đà) đâu, đúng không? Để tránh tình trạng đó, lắng nghe tiếng gọi của thị trường lao động thực sự là từ khóa quan trọng.

5.6. Bạn đã nghe đến công thức G-P-V?

Sau khi thu thập những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, điều mà bạn cần làm đầu tiên là nhìn lại những gì mà mình đã làm, những gì mình đã mắc sai lầm hay đã trải nghiệm rồi nhưng vẫn thấy “có gì đó sai sai”. Tiếp đó hãy đối chiếu câu trả lời của bạn với cụm 3 từ khóa: G - Gifts (Tài năng), P – Passion ( Đam mê) và V – Values (Những giá trị nhận lại từ công việc). Cố gắng áp dụng công thức  đó trước khi đưa ra quyết định chọn nghề, bạn sẽ không phải băn khoăn là “Nên chọn con tim là nghe lý trí” nữa đâu.

5.7. Lên kế hoạch nghề nghiệp

Bạn biết là “quyết định của con tim” khi định hướng tìm việc là cực kỳ quan trọng nhưng sẽ vô ích nếu như quyết định đó chỉ nằm trên trang giấy. Việc đưa ra những bản kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu, để biến những quyết định đó thành sự thật là yêu cầu quan trọng không chỉ riêng với trường hợp chúng ta đứng trước những quyết định nghề nghiệp. Bản kế hoạch nghề nghiệp của bạn cần đưa ra những nội dung cụ thể cho từng giai đoạn và hiện thực hóa những kế hoạch đó. Chỉ khi có những kế hoạch cụ thể thì chúng ta mới tránh được trạng thái “chây ỳ” khi thực hiện chúng. Bên cạnh đó, song song với những kế hoạch, chúng ta cần lập thêm một bảng có nói ra tiến độ thực hiện kế hoạch, những lý do và hình thức kỷ luật hợp lý nếu như những kế hoạch này bị gián đoạn. Quyết định nghề nghiệp là cực kỳ quan trọng, dù có đam mê soi đường đi chăng nữa thì sự có mặt của lý trí là điều không thể thiếu. Một khi có một bản kế hoạch nghiêm túc, chúng ta mới có thể tập trung vào thực hiện nó và cắt giảm những sai sót lẫn những suy nghĩ cảm tính và thiếu tính định hướng. 

Ai rồi cũng đến lúc phải đưa ra cho mình quyết định quan trọng, thế nhưng quyết định chọn nghề bao giờ cũng là một những điều thực sự khó khăn. Câu chuyện nghề nghiệp: “Chọn con tim hay là nghe lý trí” chẳng bao giờ là dễ dàng. Nhưng dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng buộc phải đưa ra sự lựa chọn cuối cùng. Nhiều người sẽ thành công, một vài người khác sẽ tìm ra được duyên mới trong con đường công việc hoặc thậm chí đi đến thất bại. Nhưng dù kết quả thế nào đi chăng nữa, thì chúng ta cũng đừng quá hối tiếc vì những gì đã qua vì đó là một phần thanh xuân để chúng ta trưởng thành. Thay đổi để tiến bộ không bao giờ là quá muộn. Tôi luôn ủng hộ các bạn.

Hi vọng những thông tin trên đây của Lại Trang về những lý do và những trường hợp cụ thể khi nào cần chọn con tim, khi nào cần nghe theo lý trí cũng như các giải pháp lựa chọn nghề phù hợp sẽ thực sự hữu ích với các bạn trước cánh cửa nghề nghiệp tương lai. Đừng quên thường xuyên cập nhật những tin tức mới nhất về tìm việc trên Timviec365.vn. Chúc các bạn luôn thành công với mọi quyết định của mình.

Từ khóa liên quan

Chuyên mục

Bí quyết viết CV- Tâm sự Nghề nghiệp- Cẩm Nang Tìm Việc- Kỹ Năng Tuyển Dụng- Cẩm nang khởi nghiệp- Kinh nghiệm ứng tuyển việc làm- Kỹ năng ứng xử văn phòng- Quyền lợi người lao động- Bí quyết đào tạo nhân lực- Bí quyết lãnh đạo- Bí quyết làm việc hiệu quả- Bí quyết viết đơn xin nghỉ phép- Bí quyết viết thư xin thôi việc- Cách viết đơn xin việc- Bí quyết thành công trong công việc- Bí quyết tăng lương- Bí quyết tìm việc dành cho sinh viên- Kỹ năng đàm phán lương- Kỹ năng phỏng vấn- Kỹ năng quản trị doanh nghiệp- Kinh nghiệm tìm việc làm tại Hà Nội- Kinh nghiệm tìm việc làm tại Đà Nẵng- Mẹo viết hồ sơ xin việc- Mẹo viết thư xin việc- Chia sẻ kinh nghiệm ngành Kinh doanh - Bán hàng- Định hướng nghề nghiệp- Top việc làm hấp dẫn- Tư vấn nghề nghiệp lao động phổ thông- Tư vấn việc làm Hành chính văn phòng- Tư vấn việc làm ngành Báo chí- Tư vấn tìm việc làm thêm- Tư vấn việc làm ngành Bất động sản- Tư vấn việc làm ngành Công nghệ thông tin- Tư vấn việc làm ngành Du lịch- Tư vấn việc làm ngành Kế toán- Tư vấn việc làm ngành Kỹ thuật- Tư vấn việc làm ngành Sư phạm- Tư vấn việc làm ngành Luật- Tư vấn việc làm thẩm định- Tư vấn việc làm vị trí Content- Tư vấn việc làm ngành Nhà hàng - Khách sạn- Tư vấn việc làm quản lý- Kỹ năng văn phòng- Nghề truyền thống- Các vấn đề về lương- Tư vấn tìm việc làm thời vụ- Cách viết Sơ yếu lý lịch- Cách gửi hồ sơ xin việc- Biểu mẫu phục vụ công việc- Tin tức tổng hợp- Ý tưởng kinh doanh- Chia sẻ kinh nghiệm ngành Marketing- Kinh nghiệm tìm việc làm tại Bình Dương- Kinh nghiệm tìm việc làm tại Hồ Chí Minh- Mẹo viết Thư cảm ơn- Góc Công Sở- Câu chuyện nghề nghiệp- Hoạt động đoàn thể- Tư vấn việc làm Biên - Phiên dịch- Tư vấn việc làm Ngành Nhân Sự- Tư vấn việc làm Ngành Xuất Nhập Khẩu - Logistics- Tư vấn việc làm Ngành Tài Chính - Ngân Hàng- Tư vấn việc làm Ngành Xây Dựng- Tư vấn việc làm Ngành Thiết kế - Mỹ thuật- Tư vấn việc làm Ngành Vận tải - Lái xe- Quản trị nhân lực - Quản trị sản xuất- Cẩm nang kinh doanh- Tư vấn việc làm Ngành Thiết kế - Nội thất- Mô tả công việc ngành Kinh doanh- Mô tả công việc ngành Bán hàng- Mô tả công việc Tư vấn - Chăm sóc khách hàng- Mô tả công việc ngành Tài chính - Ngân hàng- Mô tả công việc ngành Kế toán - Kiểm toán- Mô tả công việc ngành Marketing - PR- Mô tả công việc ngành Nhân sự- Mô tả công việc ngành IT - Công nghệ thông tin- Mô tả công việc ngành Sản xuất- Mô tả công việc ngành Giao nhận - Vận tải- Mô tả công việc Kho vận - Vật tư- Mô tả công việc ngành Xuất nhập khẩu – Logistics- Mô tả công việc ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn- Mô tả công việc ngành Hàng không- Mô tả công việc ngành Xây dựng- Mô tả công việc ngành Y tế - Dược- Mô tả công việc Lao động phổ thông- Mô tả công việc ngành Kỹ thuật- Mô tả công việc Nhà nghiên cứu- Mô tả công việc ngành Cơ khí - Chế tạo- Mô tả công việc bộ phận Quản lý hành chính- Mô tả công việc Biên - Phiên dịch- Mô tả công việc ngành Thiết kế- Mô tả công việc ngành Báo chí - Truyền hình- Mô tả công việc ngành Nghệ thuật - Điện ảnh- Mô tả công việc ngành Spa – Làm đẹp – Thể lực- Mô tả công việc ngành Giáo dục - Đào tạo- Mô tả công việc Thực tập sinh - Intern- Mô tả công việc ngành Freelancer- Mô tả công việc Công chức - Viên chức- Mô tả công việc ngành Luật - Pháp lý- Tư vấn việc làm Chăm Sóc Khách Hàng - Tư vấn việc làm Vật Tư - Kho Vận- Hồ sơ doanh nhân- Việc làm theo phường- Danh sách các hoàng đế nổi tiếng- Tài liệu gia sư- Vĩ Nhân Thời Xưa- Chấm Công- Danh mục văn thư lưu trữ- Tài Sản Doanh Nghiệp- KPI Năng Lực- Nội Bộ Công Ty - Văn Hóa Doanh Nghiệp- Quản Lý Quan Hệ Khách Hàng- Quản Lý Công Việc Nhân Viên- Chuyển văn bản thành giọng nói- Giới Thiệu App Phiên Dịch- Quản Lý Kênh Phân Phối- Đánh giá nhân viên- Quản lý ngành xây dựng- Hóa đơn doanh nghiệp- Quản Lý Vận Tải- Kinh nghiệm Quản lý mua hàng- Danh thiếp cá nhân- Quản Lý Trường Học- Quản Lý Đầu Tư Xây Dựng- Kinh Nghiệm Quản Lý Tài Chính- Kinh nghiệm Quản lý kho hàng- Quản Lý Gara Ô Tô-